Theo đó, việc phân bổ và giao dự toán chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với chi đầu tư phát triển được ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, dự án dự kiến hoàn thành năm 2021; hạn chế tối đa khởi công mới các dự án… Ngoài phần vốn đầu tư được T.Ư giao, địa phương đã huy động các nguồn lực từ thu tiền sử dụng đất (SDĐ), thu xổ số kiến thiết và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để tăng cường cho đầu tư phát triển.
Song song với chi NSNN, năm nay, dự toán chi ngân sách cấp tỉnh được giao trên 11.353 tỷ đồng. UBND tỉnh giao tổng chi ngân sách khối huyện trên 6.323 tỷ đồng. HĐND các huyện, thành phố quyết định giao chi ngân sách 6.637 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán UBND tỉnh giao; trong đó, chi đầu tư phát triển 895,5 tỷ đồng, tăng 59,9% so với dự toán UBND tỉnh giao; chi thường xuyên 5.525,8 tỷ đồng, bằng 97,9% so với dự toán UBND tỉnh giao, số này thấp hơn so với dự toán giao là do các địa phương đã tiết kiệm chi thường xuyên để tăng cho chi đầu tư phát triển.
Vừa qua, tại cuộc họp của UBND tỉnh bàn về vấn đề thu, chi ngân sách, đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Năm nay, việc phân bổ và giao dự toán kịp thời, bảo đảm thời gian đã tạo sự chủ động cho các cấp ngân sách và các đơn vị dự toán trong việc điều hành nhiệm vụ chi. Công tác chi đúng chế độ quy định, đúng chỉ đạo của tỉnh, ưu tiên nguồn lực cho phát triển, nhất là các nhiệm vụ quan trọng như: công tác phòng, chống dịch Covid-19, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Việc quản lý chi ngân sách được tăng cường, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả. Đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của đơn vị sử dụng ngân sách, cũng như yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, hoạt động quản lý Nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội.
Đến hết tháng 7/2021, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7.678,2 tỷ đồng, bằng 65% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 61% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó, chi đầu tư phát triển 546,3 tỷ đồng, bằng 22% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao; chi thường xuyên 5.985,5 tỷ đồng, bằng 74% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư 1.144,5 tỷ đồng, bằng 68% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Chi ngân sách đã đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các cấp, ngành, kinh phí thực hiện một số chế độ, chính sách an sinh xã hội... Tuy nhiên, công tác này cũng còn những khó khăn. Năm 2021 là năm kéo dài của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, nhu cầu chi có sự gia tăng nhưng nguồn lực chưa đáp ứng. Do diễn biến dịch Covid-19, nguồn lực của địa phương dành tập trung mua sắm trang thiết bị y tế, chi cho công tác phòng chống dịch, chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng… nên nguồn lực để giải quyết các nhu cầu phát sinh hạn chế, dẫn đến một số cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nguồn thu SDĐ đạt thấp đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu tiền SDĐ. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 8/6/2021 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 5, trong đó yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ AN-QP cần thiết, do vậy, dự kiến số cắt giảm toàn tỉnh hơn 50 tỷ đồng.
Những tháng cuối năm, nhiệm vụ chi NSNN tiếp tục điều hành trên cơ sở cân đối với nguồn thu, nhất là các nguồn thu theo tiến độ như thu SDĐ, thu xổ số kiến thiết, quản lý và sử dụng các nguồn vốn, tài sản thuộc NSNN đúng quy định Luật NSNN, bảo đảm các nhiệm vụ chi cấp thiết, bảo đảm QP-AN, an sinh xã hội trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả… Do vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chống lãng phí, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; thực hiện việc mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định. Các chủ đầu tư, đơn vị dự toán thường xuyên rà soát tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tiến độ giải ngân đảm bảo theo kế hoạch, hạn chế thấp nhất trường hợp phải chuyển nguồn sang năm sau. Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Bình Giang