Tờ trình này đã được cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo quy hoạch tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 12/7 vừa qua.
Đáng chú ý, tại tờ trình Bộ Gia thông Vận tải đã đề xuất danh mục các dự án quan trọng quốc gia được ưu tiên đầu tư gồm 25 công trình.
Theo dự thảo quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu đến năm 2030, trong lĩnh vực đường bộ đạt khối lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 2.763,8 triệu tấn, chiếm 62,80% thị phần; hành khách đạt khoảng 9.430 triệu khách, chiếm 90,16% thị phần; khối lượng luân chuyển hàng hóa nội địa đạt khoảng 162,7 tỷ tấn tương ứng chiếm 30,48% thị phần và hành khách nội địa đạt 283,6 tỷ khác, chiếm 72,83% thị phần.
Về kết cấu hạ tầng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.
Bên cạnh đó, từng bước nâng cấp các quốc lộ; trong đó, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại 1.
Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ được quy hoạch sẽ kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại 2, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại 2 trở xuống.
Ngành giao thông phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Dự thảo quy hoạch cũng đặt mục tiêu tập trung nâng cấp mặt đường; tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu trên các quốc lộ và nâng cấp một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các đầu mối vận tải lớn như cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng không sân bay, các ga đường sắt chưa có tuyến cao tốc song hành.
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 vào khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải.
Tại tờ trình số 7066/TTr-GTVT, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Danh mục dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được xác định theo khả năng bố trí nguồn lực cho ngành giao thông vận tải/tổng GDP; khả năng huy động nguồn vốn.
Cùng đó, ưu tiên đầu tư các hành lang vận tải chính, kết nối liên vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp GDP lớn. Đồng thời, Bộ đề xuất từng bước nâng cao tỷ trọng đầu tư cho các vùng còn khó khăn, có tỷ lệ đầu tư so với dân số thấp như: Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến Danh mục dự án quan trọng quốc gia gồm tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các vành đai đô thị và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.
Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như: PPP, ODA, ngân sách, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.
Các địa phương nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết và cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ./.