Hộ trồng na xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc tăng cường áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nét đặc trưng nổi bật của na Đồng Bong là vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng, ít hạt, vị ngọt thơm, để được lâu và không dễ nát. Bên cạnh các yếu tố tự nhiên của địa lý, kỹ thuật sản xuất của người nông dân đã góp phần tạo nên đặc thù của loại quả này. Điều đáng mừng hơn nữa là nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tìm tòi, sáng tạo, áp dụng phương pháp thụ phấn mới vừa để kéo dài mùa vụ thu hoạch, dễ kiểm soát từng quả để dự đoán trước sản lượng, tránh việc na chín rộ dẫn đến không kịp thu hoạch. Phương pháp này cũng giúp cây cho quả trái vụ, thu hoạch 2 vụ/năm, từ đó cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Tuy nhiên, để loại quả này phát triển, tạo được danh tiếng vươn xa thì việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Bá Dũng, tổ trưởng tổ hợp tác na Đồng Bong, thôn Đồng Bong cho biết: Đầu vụ, na bán với giá từ 45 - 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày 30/7, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Nam lập chốt kiểm soát dịch ở khu vực đỉnh dốc Bòng Bong nên việc giao thương bị hạn chế, giá na cũng giảm vì tư thương thu mua ép giá. Nhờ những yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch bệnh liên quan đến người và phương tiện đi qua địa phương được nới lỏng, nông dân đã gửi na đi tiêu thụ ở Hải Phòng; khách hàng từ khu vực các tỉnh lân cận khi có đầy đủ giấy tờ, xét nghiệm âm tính với Covid-19 vẫn có thể qua địa bàn để mua na. Hiện đã là thời điểm cuối vụ, na trên vườn còn rất ít, giá dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. So với vụ trước, giá na giảm khoảng 20%, có lẽ đây là tình trạng chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng là kinh nghiệm để hộ trồng na chủ động các giải pháp để kết nối thị trường cũng như nâng cao năng lực sản xuất, bảo quản, vận chuyển sản phẩm để thích nghi với tình hình thực tế.
Toàn xã Đồng Tâm có 65 ha na, trong đó, thôn Đồng Bong trên 30 ha, thôn Đại Đồng 32 ha. Các hộ trồng na đã áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất VietGAP để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đồng chí Trịnh Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, để tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ na kịp thời, xã đã gửi văn bản lên huyện để có giải pháp hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ xác định người và phương tiện vận chuyển đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhằm giúp nông dân chuyển hàng đi dễ dàng hơn, bởi xã chưa nằm trong vùng có dịch. Huyện Lạc Thủy cũng đã đề xuất việc kết nối tiêu thụ với ngành, đơn vị chuyên môn của tỉnh; vận động các hộ trồng na gửi sản phẩm cùng xe cung cấp thực phẩm cho khu vực Hà Nội để tiêu thụ. Để phát huy giá trị của na dai Đồng Bong, trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ đăng ký truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Chính quyền xã Đồng Tâm cũng chỉ đạo các hộ trồng na tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc tăng cường áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với huyện trong xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm na dai Đồng Bong.
Thu Hằng