(HBĐT) - Trong 2 năm trở lại đây, sản phẩm hạt dổi, cây dổi giống ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) không những chậm tiêu thụ mà giá bán giảm so với trước. Theo người dân nơi đây, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì thương hiệu dổi Chí Đạo đang gặp phải "khó khăn kép” khi xuất hiện tình trạng sản phẩm dổi ở địa phương khác trà trộn, gắn mác dổi Chí Đạo với giá bán thấp hơn nhiều.


Vì dịch bệnh mà gia đình ông Bùi Văn Bun, xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) chưa chuyển được cây dổi ghép giống cho khách hàng ngoại tỉnh.

Chí Đạo vốn là xã thuộc vùng khó khăn của huyện Lạc Sơn. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhiều người dân ở đất khó này đã thực sự vượt lên đói nghèo, không ít hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Về Chí Đạo sẽ thấy ngút ngàn cây dổi cổ thụ xen lẫn những vườn dổi mới trồng. Dổi chính là cây trồng đem lại sự no ấm cho đất Mường Be. Những năm qua, Chí Đạo không chỉ nổi tiếng với sản phẩm hạt dổi, mà đã có hàng triệu cây dổi giống được xuất bán đi khắp mọi miền đất nước. Hợp tác xã được thành lập, hạt dổi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, sản phẩm muối hạt dổi được chế biến để cung cấp ra thị trường. Đó là những nỗ lực mà chính quyền và Nhân dân xã Chí Đạo đã thực hiện với mục tiêu để thương hiệu dổi của đất Mường Be phát triển bền vững.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, người trồng dổi gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đáng nhẽ, thời điểm này, cây giống ở các nhà vườn của người dân xã Chí Đạo đã được tiêu thụ hết, nhưng hiện vẫn tồn khá nhiều dù đã có khách đặt từ 1 - 2 tháng trước. Như vườn cây giống của gia đình ông Bùi Văn Bun, xóm Be Trên (thuộc HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo), như mọi năm đến tháng 4 đã chuyển hết cho khách, năm nay còn nhiều cây dổi ghép hiện vẫn "đứng” vườn. Ông Bun cho biết: Thời gian qua, nhiều khách hàng có nhu cầu cây giống nhưng tôi và các thành viên trong HTX không thể vận chuyển đi được vì dịch Covid-19.

Cũng là thành viên của HTX, vườn ươm của gia đình ông Bùi Văn Nhỏ, xóm Be Trên mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 1 - 1,3 vạn cây dổi ghép và hàng vạn cây dổi thực sinh. Thời điểm này trong vườn vẫn còn khá nhiều cây dổi thực sinh và trên 1 nghìn cây dổi ghép. Theo ông Nhỏ, cây dổi giống của gia đình ông chủ yếu bán cho khách hàng ở tỉnh Đắk Lắk, năm ngoái giá 40 nghìn đồng/cây dổi ghép, 5 - 10 nghìn đồng/cây dổi thực sinh (tùy kích thước cây). Từ đầu năm đến nay giá bán giảm hẳn một nửa, chỉ 20 nghìn đồng/cây dổi ghép. "Do dịch bệnh nên việc tiêu thụ cây giống gặp nhiều khó khăn, khách hàng đặt cây nhưng không vận chuyển được. Giá bán cây giảm do dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khác nữa” - ông Nhỏ chia sẻ.

Theo ông Bun, ông Nhỏ và nhiều thành viên trong HTX, ngoài nguyên nhân do dịch Covid-19 khiến giá dổi giảm mạnh, thời gian qua, trên địa bàn xã có nhiều hộ bán ra thị trường cây dổi giống, hạt dổi với giá rất rẻ. Như giá hạt dổi sau phơi khô chỉ từ 800 nghìn - 1 triệu đồng/kg; dổi ghép từ 10 - 15 nghìn đồng/cây. Điều đáng nói, với sản phẩm cây dổi ghép, mắt ghép phải được lấy từ những cây đầu dòng được UBND tỉnh công nhận. Thế nhưng, có những hộ ngoài HTX ghép cây giống không tuân thủ theo quy chuẩn này nên chất lượng cây giống không đảm bảo. Còn về sản phẩm hạt dổi, đối với sản phẩm của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có nhãn hiệu vẫn được bán với giá khá ổn định, khoảng 1,5 triệu đồng/kg. "Đã có tình trạng một số người nhập hạt dổi từ Tây Nguyên về Chí Đạo để bán ra thị trường, với mức giá thấp hơn một nửa. Điều này không chỉ gây khó khăn cho HTX mà còn làm ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm dổi Chí Đạo” - ông Bun cho biết thêm.

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận được những trăn trở của người trồng dổi ở Chí Đạo về tình trạng có một số đối tượng trà trộn hạt dổi nơi khác, rồi gắn mác dổi Chí Đạo để tiêu thụ ra thị trường với giá bán thấp hơn nhiều. Qua trao đổi với đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo được biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ chậm nhưng năm nay, thu nhập từ ươm, ghép dổi và sản phẩm hạt dổi vẫn chiếm 50% tổng thu nhập của người dân trên địa bàn xã. Cây dổi tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân nơi đây. Trong thời gian qua, cùng với tăng cường công tác chống dịch, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân tiếp tục phát triển, giữ vững uy tín, thương hiệu dổi của địa phương; không nhập hạt dổi nơi khác về trà trộn, gắn mác dổi địa phương để bán ra thị trường.


Viết Đào


Các tin khác


Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất, công tác phòng, chống thiên tai và tiến độ xây dựng các công trình tại huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Ngày 24/8, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình sản xuất, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tiến độ xây dựng các công trình tại huyện Kim Bôi. Cùng tham gia có lãnh đạo Sở NN&PTNT, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT.

Huyện Lạc Sơn: Cấp chứng chỉ nghề chăn nuôi cho 26 lao động nông thôn

(HBĐT) - Ngày 24/8, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lạc Sơn đã tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Bình Hẻm.

Giữ gìn và phát triển thương hiệu na dai Đồng Bong

(HBĐT) - Na được trồng trên địa bàn xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) cách đây khoảng 20 năm. Việc lựa chọn giống phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo ra sản phẩm na dai Đồng Bong nức tiếng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Cuối năm 2020, na dai Đồng Bong được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đây là tín hiệu vui nhưng cũng là thách thức đối với chính quyền địa phương cũng như các hộ trồng na trong việc giữ vững và phát triển thương hiệu.

Huyện Cao Phong hướng tới mục tiêu huyện nông thôn mới

(HBĐT) -Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ XXVIII đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Cao Phong trở thành huyện nông thôn mới (NTM). Hướng tới mục tiêu quan trọng này, ngay từ những tháng đầu năm 2021, các xã, thị trấn tích cực triển khai các chương trình hành động (CTHĐ) trọng tâm thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện. Trong quá trình triển khai thể hiện rõ quyết tâm, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Huyện Cao Phong tiếp tục triển khai “mục tiêu kép”

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cao Phong tích cực chỉ đạo, đôn đốc thực hiện "mục tiêu kép”: Vừa tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa chú trọng triển khai các giải pháp phát triển toàn diện KT-XH. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quyết tâm đồng hành của các tầng lớp Nhân dân, huyện đã bước đầu thực hiện tốt "mục tiêu kép”, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển KT-XH 7 tháng đầu năm 2021.

Huyện Cao Phong: Thực hiện hiệu quả thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

(HBĐT) - Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Đó là 3 khâu đột phá được BCH Đảng bộ huyện Cao Phong quán triệt tại Nghị quyết số 02-NQ/HU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục