Để giảm chi phí chăn nuôi lợn khi giá cám tăng cao, hộ chăn nuôi ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) tận dụng thức ăn sẵn có làm thức ăn cho lợn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục có chiều hướng giảm. Theo đó, trong tháng 8, giá gia cầm giảm 26%, giá lợn giảm 11% so với tháng trước. Giá thức ăn tăng cao, trong khi sản phẩm tiêu thụ chậm, giá bán giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm bị thua lỗ. Do đó, trong những tháng trở lại đây, nhiều hộ chăn nuôi lợn tìm cách giảm bớt chi phí, như giảm thức ăn công nghiệp bằng cách cho ăn thêm các loại thức ăn sẵn có ở địa phương.
Gia đình ông Bùi Văn Lực, xóm Kho là hộ chăn nuôi lợn khá lâu năm tại xã Chí Đạo (Lạc Sơn). Những năm trước đây, bình quân mỗi năm, gia đình ông nuôi khoảng 40 con lợn thịt và 2 con lợn nái. Năm ngoái giá lợn cao, ổn định đem lại cho gia đình ông nguồn thu hơn 100 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, trước những biến động bất lợi của thị trường, ngoài 2 lợn nái, hiện gia đình ông chỉ nuôi 8 con lợn thịt. "Giá cám đang ở mức rất cao, mà giá lợn lại rất rẻ nên nếu cứ cho ăn thẳng (chỉ nuôi bằng cám công nghiệp) thì chắc chắn sẽ bị lỗ nặng. Do đó, gia đình tôi phải cho ăn thêm các thức ăn có sẵn như bỗng rượu, rau lang, chuối để giảm chi phí” - ông Lực cho biết.
Đó cũng là cách làm của nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Chí Đạo và một số xã vùng sâu của huyện Lạc Sơn, Tân Lạc. Nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi lợn nái vì "chắc ăn” hơn, bởi thức ăn chủ yếu của lợn nái là các loại cây, rau củ có sẵn ở địa phương. Ngoài chăn nuôi lợn gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chăn nuôi gia cầm, nhất là nuôi gà cũng gặp không ít thử thách. Trên địa bàn huyện Lạc Sơn, vài tháng qua nhiều hộ đã chịu thua lỗ vì gà khó bán mà chi phí chăn nuôi tăng cao. Như HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng (xã Hương Nhượng), hiện hầu như các hộ thành viên không dám vào đàn vì càng nuôi nhiều càng lỗ.
Lạc Thủy là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi gia cầm. Theo Phòng NN&PTNT huyện, tổng đàn gia cầm của huyện khoảng 900 nghìn con, giảm khoảng 200 nghìn con so với năm 2020. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá bán gà Lạc Thủy vẫn ổn định 130 nghìn đồng/kg; gà nuôi trại 90 nghìn đồng/kg. Như vậy, dù giá cám tăng nhưng người chăn nuôi bình quân lãi khoảng 30 nghìn đồng/con gà. Để đạt được kết quả này là do người chăn nuôi gà trên địa bàn huyện đã có nhiều kinh nghiệm tính toán về đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Như thời điểm mùa hè hạn chế vào đàn vì nhu cầu thị trường giảm. Còn trong 2 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 phức tạp người chăn nuôi càng thận trọng hơn. Với số lượng đàn gia cầm như hiện nay, cung - cầu cân bằng nên sản phẩm gà Lạc Thủy vẫn tiêu thụ tốt.
Ngoài kinh nghiệm của người chăn nuôi thì sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng có vai trò hết sức quan trọng. Những năm qua, Lạc Thủy tập trung xây dựng 5 nhãn hiệu bảo hộ, 10 sản phẩm OCOP. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, huyện đã có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nổi bật là đưa thành công 4 sản phẩm (na Bòng Bong, chè sông Bôi, thanh long ruột đỏ, trứng gà Ngọc Hân) lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Có thể thấy, tại huyện Lạc Thủy đã có những cách làm tốt để tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và thực tế ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cùng với giải pháp mang tính tạm thời như của gia đình ông Lực, người chăn nuôi cần quan sát, nắm bắt thị trường để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất.
Viết Đào