Nhân viên Viettel Post Hòa Bình hướng dẫn thành viên HTX trên địa bàn huyện Lạc Sơn tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử VoSo.vn.
Chị Nguyễn Thị Tân, Trưởng nhóm thương mại của Viettel Post Hòa Bình chia sẻ: Theo dòng chiến dịch CĐS, Viettel Post Hòa Bình phối hợp Liên minh HTX tỉnh thực hiện chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Viettel Post tổ chức đào tạo, hướng dẫn, cùng các HTX tạo gian hàng trên sàn TMĐT VoSo.vn; trang bị kỹ năng chăm sóc khách hàng. Qua 1 tháng triển khai, Viettel Post đã đưa một số sản phẩm lên sàn thương mại như: Nhãn, trứng gà, thịt gà, măng tây, bí đỏ, hạt dổi, ớt rẽ lên sàn thương mại Voso.vn. Qua đó, giúp các HTX tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều HTX còn lúng túng, chưa hiểu về CĐS, sàn TMĐT; chưa có kỹ năng marketing; thiếu trang thiết bị…
Song song với hoạt động đưa sản phẩm của HTX lên sàn TMĐT, thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh nỗ lực áp dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tự động, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc… Tiêu biểu như HTX chuối Viba xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản chuối, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; HTX Hà Phong ứng dụng công nghệ lên men hoa quả, quy trình chế biến và bảo quản hoa quả; HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy sử dụng máy uống tự động, ăn tự động, tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website giới thiệu sản phẩm… Việc ứng dụng khoa học, công nghệ số góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ bền vững trước biến động của thiên tai, dịch bệnh.
HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) mạnh dạn đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế tạo ra sản phẩm chuối Viba chất lượng, an toàn. HTX còn đặc biệt quan tâm tới công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn TMĐT, giúp duy trì, tiêu thụ tốt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng 3 - 5 tấn chuối cho thị trường.
Đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá: CĐS không phải là vấn đề mới, song số lượng HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện còn rất ít. Tỷ lệ HTX sử dụng thành thạo thông tin, kết nối nhóm, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT chỉ chiếm 15%. Nguyên nhân chính là do cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX để thực hiện CĐS còn rất ít. Một số HTX, THT chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS. Năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX hạn chế. Hội đồng quản trị có độ tuổi chủ yếu là 55 - 60 tuổi nên khả năng khai thác thông tin chậm. Đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ chiếm rất ít. Hạ tầng công nghệ thông tin của HTX lạc hậu, nhiều HTX chưa có máy tính, thiết bị kết nối internet. Số lượng HTX ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, bán hàng rất ít.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, các HTX không thể đứng ngoài cuộc trong CĐS. Để thực hiện CĐS thành công trước hết phải thay đổi nhận thức của tất cả thành viên HTX. Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi. HTX cần phải minh bạch thông tin, chuẩn hóa, định danh sản phẩm để chuẩn bị thực hiện số hóa.
Đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp các cấp, ngành tuyên truyền về tầm quan trọng của CĐS trong phát triển KTTT, HTX cho đội ngũ cán bộ, quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác; cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Tổ chức tập huấn về CĐS cho thành viên HTX. Đồng thời, rà soát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX, từ đó lựa chọn những HTX hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng mô hình điểm tham gia vào thực hiện CĐS. Huy động nguồn lực để hỗ trợ HTX thực hiện CĐS như trang thiết bị, máy móc hiện đại.
Thu Thủy