(HBĐT) - Trong 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021) hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh, mạng lưới, quy mô được mở rộng, chất lượng hoạt động không ngừng được nâng cao.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi tới người dân trên địa bàn.
Trải qua quá trình xây dựng, phát triển, từ chỗ chỉ có một vài NH với quy mô nhỏ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 chi nhánh NH và 4 Quỹ Tín dụng nhân dân, 21 chi nhánh huyện, thành phố, 188 phòng giao dịch, điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.
Một trong những nhiệm vụ xuyên suốt là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh làm tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho các NH, tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, các NH, TCTD triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hoạt động tiền tệ NH; hoạt động NH trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, bảo đảm an toàn hệ thống, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động NH. Nguồn vốn tín dụng và hoạt động NH đã góp phần quan trọng tạo nguồn nội lực thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Tính đến tháng 8/2021, tổng nguồn vốn tín dụng trên toàn địa bàn đạt gần 32.000 tỷ đồng, tăng khoảng trên 100% so với năm 2015. Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt trên 27.300 tỷ đồng, bình quân tăng trên 18%/năm.
Theo đồng chí Bùi Văn Xưởng, Giám đốc NHNN tỉnh, nguồn vốn tín dụng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực như: Xây dựng các công trình trọng điểm, đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh (SXKD), xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng NH đã đầu tư cho nhiều dự án, công trình quy mô lớn, hiện đại, tạo điểm nhấn cho phát triển KT-XH, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh. Các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, góp phần hạn chế tín dụng đen, tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng.
Đặc biệt, năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, người dân; hoạt động tín dụng của các NH trên địa bàn chịu tác động khá mạnh. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự sâu sát và chủ động điều hành từ NHNN tỉnh, các TCTD đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn ổn định SXKD. Các NH khẩn trương vào cuộc rà soát, đánh giá tình hình hoạt động SXKD, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời có những biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với số tiền hỗ trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong những năm tới, theo NHNN tỉnh, nhiệm vụ của ngành NH còn nhiều khó khăn, thách thức. NHNN tỉnh tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương và NHNN Việt Nam về điều hành KT-XH và hoạt động NH hàng năm. Triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành đến các NH, TCTD trên địa bàn, cụ thể hóa nhiệm vụ của ngành qua kế hoạch, chương trình công tác hàng quý nhằm phục vụ phát triển KT-XH, thực hiện quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động NH hiệu quả. Trong đó, tín dụng luôn đáp ứng tốt cho các chương trình, dự án phát triển KT-XH, chủ động kiểm soát tốt nợ xấu. Các TCTD tăng cường giải pháp huy động vốn, mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án phát triển KT-XH trọng điểm, đặc biệt các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm OCOP, sản xuất hàng xuất khẩu...
Các NH đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SXKD, tiếp tục tập trung vốn cho các dự án, lĩnh vực ưu tiên. Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hệ thống NH, gắn việc xây dựng quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản trị, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
HỒNG TRUNG