Những kịch bản, giải pháp nhằm giúp các thành phần kinh tế nhanh chóng ổn định, phục hồi, đón cơ hội tăng tốc phát triển trong điều kiện bình thường mới là cầp thiết. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã cam kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, nên ngành Giao thông vận tải (GTVT) phải bảo đảm việc vận chuyển lưu thông thông suốt.
"Mở cửa kinh tế phải bắt đầu từ đi lại"
Dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát tốt, nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, nhưng vẫn thận trọng kiểm soát nghiêm ngặt vận tải hàng hóa. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) đã xây dựng quy trình vận tải để các địa phương vận chuyển hàng hóa thông suốt. TCĐBVN hiện đã cấp mã QR Code cho các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động, cơ bản tháo gỡ được tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ ra vào các địa phương. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn chưa tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa có giấy nhận diện QR Code của ngành GTVT cấp được đi vào hoặc đi ngang qua, khiến đội ngũ lái xe vận tải phải quay đầu xe, gây lãng phí về thời gian, phát sinh chi phí vận chuyển.
Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc vì kiểm soát y tế. Ảnh: Huy Hùng.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, Tổng cục đang tham mưu Bộ GTVT soạn thảo "Quy trình vận tải an toàn đảm bảo phòng chống dịch COVID-19” áp dụng cho các địa phương. TCĐBVN tới đây sẽ nâng cấp phần mềm thẻ nhận diện phương tiện để có thể kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế (về việc cung cấp thêm thông tin lái xe đã được xét nghiệm, tiêm phòng) phục vụ công tác truy vết và quản lý; đồng thời, báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế sớm cập nhật dữ liệu quản lý người ra - vào: Bến tàu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không… và đề nghị Bộ Công an phối hợp phân luồng xanh cho phương tiện chở hàng hóa, không kiểm tra phương tiện lưu thông có mã QR Code, kiểm tra qua hậu kiểm với nơi đến của phương tiện.
Trên cơ sở rà soát của TCĐBVN, Bộ GTVT đã có văn bản số 8899/BGTVT-VT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT về đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành; thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực tế trên cho thấy, một số địa phương chỉ thấy lợi ích riêng của địa phương, mà chưa thấy hết lợi ích chung của quốc gia. Việc mở cửa trở lại vào thời gian này là hợp lý, vì số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm, tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine đã tăng lên, nhất là tại các "điểm nóng” như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…
Với nền kinh tế mở như hiện nay, việc thông thương không thể bó hẹp trong địa giới hành chính của một tỉnh. Các mặt hàng sản xuất tại các địa phương phải vận chuyển lên biên giới hoặc các địa phương khác để tiêu thụ, xuất khẩu, nên giao thông chính là "mạch máu” của nền kinh tế, muốn thông thương phải bắt đầu bằng việc mở cửa đi lại. Giao thông bị ùn tắc, chắc chắn các chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu sẽ bị đứt gãy, hoạt động kinh tế sẽ bị ngưng trệ.
Thêm vào đó, thiếu giao thông thì không thể cung ứng kịp thời vaccine, trang thiết bị y tế phòng chống dịch, không thể cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân và không thể phòng chống dịch. Thời gian qua, có tỉnh yêu cầu xét nghiệm nhanh, tỉnh khác yêu cầu xét nghiệm PCR, nơi yêu cầu giấy xét nghiệm thời hạn 2 - 3 ngày, nơi yêu cầu xét nghiệm 3 lần mới được vào địa bàn… Những vấn đề này cần sớm được giải quyết triệt để.
"Các địa phương cần phải làm rõ, đường quốc lộ là đường của quốc gia, quốc lộ chạy qua bất cứ địa phương nào, thì địa phương đó cũng không có thẩm quyền ngăn cản giao thông và áp đặt quy định riêng. Đồng thời, bất cứ giải pháp nào hạn chế hoạt động GTVT, hạn chế quyền đi lại của người dân, đều cần tham vấn ý kiến của dư luận, trước hết là của những đối tượng bị điều chỉnh”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh thêm,
Thống nhất quy trình vận tải
Thực tế, việc lái xe vận tải gặp khó với thời hạn của giấy xét nghiệm COVID-19 và bị cách ly khi về từ vùng dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đưa nhóm lao động trong lĩnh vực vận tải vào nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ GTVT cũng đã kiến nghị xem xét kéo dài thời hạn giấy xét nghiệm lên 5 - 7 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương.
Ùn tắc tại Cảng Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.
Để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy do thiếu lái xe và phương tiện, Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương cùng thống nhất quy trình vận tải: Công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh và PCR có hiệu lực trong 72 giờ, không yêu cầu lái xe phải xét nghiệm lại khi giấy xét nghiệm vẫn còn hiệu lực; không yêu cầu cách ly y tế bắt buộc đối với đội ngũ lái xe khi đi về từ vùng dịch, nhưng phải tổ chức xét nghiệm cho lái, phụ xe trước và sau khi đi về từ vùng dịch; các phương tiện chỉ được di chuyển trên luồng xanh được cấp phép, hạn chế tiếp xúc tối đa, lái xe chấp hành nghiêm về quy định 5K, doanh nghiệp nào vi phạm quy định về xét nghiệm y tế mà vẫn lưu thông sẽ bị xử lý nghiêm.
Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định số 1377/QĐ-BGTVT về việc thành lập 4 Tổ kiểm tra về hoạt động vận tải gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19: Tổ 1, 2 khảo sát các hoạt động vận tải đường bộ thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương trên các tuyến quốc lộ; kiểm tra thực hiện các quy định về phòng chống dịch tại các đơn vị vận tải hàng hóa, các đầu mối bốc, xếp hàng hóa; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông đường bộ, việc cấp Giấy nhận diện có mã QR Code của các Sở Giao thông vận tải.
Tổ 3 kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống tại các cảng, bến thủy nội địa; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông đường thủy phục vụ vận tải hàng hóa trên đường thủy. Tổ 4 kiểm tra việc thực hiện các quy định và triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cảng biển.
Về lâu dài, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đề xây dựng phương án cụ thể trình Chính phủ sớm ban hành quy định thống nhất quy trình vận tải hàng hóa thông suốt trong cả nước, trên cơ sở quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, tùy theo tình hình và diễn biến thực tế của dịch bệnh, nhằm hạn chế tình trạng xe vận tải hàng hóa gặp chốt kiểm dịch nào cũng bị kiểm tra như hiện nay.
Theo báo Tin tức
(HBĐT) - Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, tích cực học tập, lao động sản xuất, Đoàn xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, xuất hiện nhiều gương đoàn viên thanh niên (ĐVTN) điển hình trong phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới; nhiều quy định mới về đăng kiểm ô tô… là những chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2021.
(HBĐT) - Sáng 26/9, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng; đại diện các DN, hiệp hội DN, một số đại diện tổ chức quốc tế; điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
(HBĐT) - Trong tháng 8, toàn tỉnh đã khai thác trên 480 ha rừng trồng tập trung với khối lượng hơn 41.560 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 1.890 m3 gỗ; 20,604 nghìn ste củi; 338,920 nghìn cây tre, bương, luồng, giang, nứa; hơn 836 tấn măng tươi; 70,8 tấn dược liệu, 790 kg mật ong rừng... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trong toàn tỉnh ước đạt trên 75.996 triệu đồng.
(HBĐT) - Chiều 24/9, tại Công ty Điện lực Hòa Bình diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thu tiền điện qua tài khoản thanh toán phát hành thẻ cấp hạn mức thấu chi giữa Công ty Điện lực Hòa Bình và Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) chi nhánh tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Sau 30 năm tái lập, tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới, trong đó phải kể đến dấu ấn công tác đối ngoại với chủ trương: Tăng cường mối quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tỉnh bạn và các hoạt động ngoại giao nhân dân… để tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước... Từ chủ trương, định hướng cụ thể được thực hiện đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để tỉnh phát triển.