(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, nhiều công trình được đầu tư lớn mà hiệu quả sử dụng không cao. Thế nên, câu chuyện "khát” nước ngay bên công trình nước sạch vẫn còn là nỗi trăn trở của nhiều vùng quê trong tỉnh, nhất là vào mùa khô.



Người dân xóm Nhõi Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) với niềm vui có nước sạch. 

Nhiều công trình nước sạch kém bền vững

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến việc xây dựng các công trình cấp nước sạch đến người dân ở các vùng quê, nhất là khu vực còn nhiều khó khăn. Theo đó, từ nhiều nguồn vốn đầu tư, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, giếng đào, giếng khoan được xây dựng để cấp nước cho người dân. Đồng chí Đặng Trung Thành, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh cho biết: Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,2%, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 50,1%. Trong đó, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nông thôn đạt 16,1%, từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 34%. Số hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam lần lượt là 89% và 40,5%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 297 công trình cấp nước tập trung nhưng quá nửa không hoạt động hoặc hoạt động kém bền vững. Cụ thể, có 60 công trình hoạt động bền vững (chiếm 20,2%), 87 công trình tương đối bền vững (chiếm 29,3%), 84 công trình kém bền vững (chiếm 28,3%), tổng số hộ dân sử dụng nước từ các công trình 8.435 người. Tổng số công trình không hoạt động là 66 với trên 79,8 nghìn người dân bị ảnh hưởng. Để nâng cao năng lực trong quản lý, vận hành cũng như cải tạo, sửa chữa đối với các công trình kém bền vững, công trình không hoạt động, UBND tỉnh đã thực hiện bàn giao một số công trình cho đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm NS&VSMTNT) quản lý, vận hành. Đây được đánh giá là giải pháp cần thiết để "cứu” các công trình nước sạch, nhất là công trình được đầu tư lớn nhưng lại sớm "đắp chiếu” vì quản lý yếu kém.

Đồng chí Đặng Trung Thành cho biết thêm: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém bền vững là do công trình được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, nhưng không được cải tạo, duy tu hàng năm, khi xảy ra hỏng hóc không được sửa chữa kịp thời. Những công trình được bàn giao cho đơn vị có năng lực chuyên môn quản lý như Trung tâm NS&VSMTNT thì hoạt động hiệu quả. Trung tâm hiện trực tiếp quản lý 6 công trình cấp nước tập trung, cung cấp nước cho trên 7.000 hộ dân thuộc địa bàn các huyện: Mai Châu, Lạc Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc.

"Đối với các công trình do trung tâm quản lý, tổ quản lý, vận hành đều được trang bị các trang thiết yếu để vận hành công trình. Trung tâm thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, tuyên truyền đến người dân để bảo vệ nguồn nước; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời những hỏng hóc để đảm bảo cung cấp nước ổn định, chất lượng nước đến người dân” - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT nhấn mạnh.

Trách nhiệm trong quản lý, vận hành

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng lại sớm rơi vào cảnh "đắp chiếu”, khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Như công trình cấp nước sạch tập trung tại xóm Trám, xã Gia Mô (Tân Lạc) được đưa vào vận hành năm 2011. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 năm, công trình được đầu tư trên 5 tỷ đồng này đã "đắp chiếu” vì bị hỏng hóc mà không được sửa chữa. Sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Gia Mô bị đảo lộn vì không có nước sinh hoạt.

"Hai năm đầu khi công trình vận hành đã cung cấp nước ổn định cho người dân sử dụng. Hàng tháng, chúng tôi đóng tiền nước đầy đủ. Sau khi bị hỏng máy bơm, công trình ngừng hoạt động đến nay đã gần chục năm. Thời điểm đó, sinh hoạt của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ phải đi chở từng can nước ở suối về sử dụng. Sau này, có hộ đào, khoan giếng, có hộ góp tiền mua ti ô dẫn nước từ suối về sử dụng” - ông Bùi Văn Cường, xóm Rên, xã Gia Mô cho biết. Sau khi "đắp chiếu”, hệ thống đường ống dẫn nước đến các khu dân cư trên địa bàn xã Gia Mô bị hỏng hóc. "Dấu tích” của công trình tiền tỷ này hiện chỉ còn là bể chứa hoen rỉ, phủ màu rêu phong của thời gian.

Đà Bắc là huyện còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề nước sạch. Những năm qua, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn đầu tư khác, trên địa bàn huyện đã có nhiều công trình nước sạch quy mô nhỏ lẻ được xây dựng. Tại các xã, thị trấn của huyện, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng từ 10 - 20 năm trước bị bỏ hoang, bên cạnh đó cũng có những công trình mới được xây dựng. Từ nguồn vốn của dự án Tầm nhìn thế giới, 2 năm trở lại đây, xã Tân Minh được đầu tư xây dựng một số công trình cấp nước quy mô nhỏ cho các xóm. Chủ tịch UBND xã Tân Minh Lò Văn Lại cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng một số công trình nước sạch, bể chứa nước, nhưng qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nhiều công trình bị hỏng hoàn toàn. Ở một số xóm, bà con vẫn tận dụng các bể chứa của công trình cũ để đấu nối đường ống dẫn nước về nhà sử dụng. Tuy vậy, vào mùa khô nhiều hộ còn thiếu nước để sử dụng. Những công trình cấp nước nhỏ được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.  

Như xóm Diều Luông, năm 2020 được bàn giao công trình cấp nước sạch mới. Trưởng xóm Diều Luông Lò Thị Cảnh cho biết: Năm 1997, xóm được được đầu tư 2 công trình nước sạch tự chảy với 4 bể chứa cho các khu dân cư. Nhưng những công trình này đã không hoạt động từ cách đây khoảng chục năm. Suốt một thời gian dài, người dân phải dẫn nước ở khe suối về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Năm 2020, xóm được đầu tư xây dựng công trình cấp nước có bể lọc ở đầu nguồn, dẫn nước về 2 khu dân cư với hơn 40 hộ dân được hưởng lợi. Với công trình này, một nửa hộ dân xóm Diều Luông đã thoát khỏi cảnh thiếu nước sạch, nhất là vào thời điểm mùa khô. Để công trình hoạt động hiệu quả lâu dài, xóm đã phân công 2 người phụ trách quản lý, vận hành, sửa chữa công trình khi xảy ra sự cố. Mỗi hộ đóng góp từ 4 - 5 nghìn đồng/tháng làm kinh phí để hỗ trợ tổ vận hành thực hiện công việc. Với cách làm này, những người được phân công nhiệm vụ đã nêu cao trách nhiệm trong việc theo dõi vận hành công trình, nên đem lại hiệu quả cao, việc cấp nước của công trình được đảm bảo ổn định. 

Nên giao công trình cấp nước cho cơ quan đủ năng lực quản lý

Việc bàn giao công trình cấp nước cho tổ vận hành và đóng góp kinh phí để tổ hoạt động là cách làm hay của xóm Diều Luông, xã Tân Minh. Tuy nhiên, cách làm này có vẻ chỉ phù hợp với những công trình quy mô nhỏ, không đòi hỏi quá nhiều yếu tố về chuyên môn như những công trình đầu tư quy mô lớn. Như đã nói ở trên, số lượng công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh hoạt động kém bền vững hoặc rơi vào cảnh "đắp chiếu”, một trong những nguyên nhân chính là do thiếu trách nhiệm trong khâu quản lý, vận hành. Những công trình cấp nước khi xảy ra sự cố hư hỏng thường rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc”, việc sửa chữa chậm trễ, kéo dài khiến hư hỏng nhẹ thành trầm trọng hơn. Để rồi, hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh "khát” nước ngay bên cạnh công trình cấp nước được đầu tư hàng tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Đặng Trung Thành cũng bày tỏ rằng, để nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư cần giao cho cơ quan, đơn vị có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ quản lý, vận hành. Bởi, để vận hành công trình và cấp nước đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn. Như Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, khi được giao quản lý, vận hành các công trình cấp nước đã đảm bảo cung cấp nước ổn định cho người dân. Trung tâm có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và thực hiện sửa chữa kịp thời khi xảy ra các sự cố.  

Ngoài những nguyên nhân về sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý khiến nhiều công trình cấp nước không hoạt động hiệu quả, nhiều người dân cho rằng, có những công trình không hoạt động được vì không có nước hoặc nguồn nước không đảm bảo. Do đó, trước khi xây dựng các công trình cấp nước, cần làm tốt hơn khâu khảo sát, thiết kế để đảm bảo nguồn nước lâu dài. Có thể nói, với hơn 95% người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đã cho thấy, chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Mặc dù vậy, với trên 50% công trình cấp nước đang hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, đặc biệt là những công trình có vốn đầu tư lớn thì các cấp chính quyền, ngành hữu quan cần có những giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn. Cùng với đó, người dân cũng nêu cao ý thức trong bảo vệ các công trình cấp nước, cũng như bảo vệ nguồn nước để nâng cao chất lượng nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.



Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình cấp nước  bỏ hoang, trong khi người dân gặp khó khăn về nước. Ảnh: Công trình nước sạch bỏ hoang hơn 10 năm tại xóm Diều Luông, xã Tân Minh (Đà Bắc). 

Viết Đào


NHÓM Ý KIẾN

Cần đầu tư, sửa chữa công trình cấp nước bị hư hỏng

Cao Viết Đồng
Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (Tân Lạc)

Phú Cường là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc. Trước đây, trên địa bàn xã đã được quan tâm, đầu tư xây dựng một số công trình cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, hầu hết các công trình cấp nước trên địa bàn đã hư hỏng, không còn phát huy hiệu quả. Người dân phải tận dụng nguồn nước ở khe suối dẫn nước về sử dụng, có những hộ dân phải dẫn nước từ đầu nguồn với khoảng cách khá xa. Vào mùa mưa bão, tình trạng đường ống dẫn nước bị hư hỏng thường xuyên xảy ra nên sinh hoạt của người dân gặp nhiều bất tiện. Ở một số khu vực khác, một số hộ dân đào giếng, khoan giếng để có nước phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, hiện nay, nguồn nước do bà con tự dẫn về sử dụng cũng chưa đảm bảo, có nhiều đá vôi.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, đầu tư công trình nước sạch, cải tạo các công trình bị hư hỏng để có nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Nâng cao chất lượng nước cấp cho người dân

Bùi Văn Tín
Xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn)

Những năm qua, nhờ công trình nước sạch, người dân chúng tôi không còn lo thiếu nước phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn đơn vị quản lý, vận hành công trình nước sạch quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng nước. Qua thời gian dài sử dụng, chúng tôi nhận thấy chất lượng nước vẫn chưa thực sự đảm bảo. Như vào những ngày mưa bão, có hôm nước bị đục, lẫn cả cát không thể sử dụng nấu nướng được. Nhiều hộ dân có điều kiện mua máy lọc nước để có nước đảm bảo sử dụng, nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa mua sắm được nên phải sử dụng trực tiếp nước vòi chảy về. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người dân.

Thêm nữa, hiện vẫn hay xảy ra tình trạng mất nước ở một số thời điểm trong ngày như vào buổi tối hay ngày cuối tuần, làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Do đó, rất mong đơn vị quản lý, vận hành công trình nước sạch tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng cung cấp nước để phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân tốt hơn.


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Phát triển kinh tế rừng bền vững

(HBĐT) - Hàng năm, huyện Tân Lạc đều thực hiện vượt kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán. Người dân trong huyện ngày càng có ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hộ thực hiện chuyển từ mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn; trồng cây lâm nghiệp bản địa có giá trị kinh tế cao như dổi, trám đen, trám trắng…

Hứa hẹn đột phá về kết cấu hạ tầng nhiệm kỳ 2020 - 2025: Bài 1 - Những công trình mang dấu ấn đột phá về hạ tầng

(HBĐT) - Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông là chủ trương lớn được Đảng bộ tỉnh vận dụng ngày càng hiệu quả, triển khai nhiều dự án, công trình tạo động lực phát triển KT-XH, cải thiện dân sinh.

Thành phố Hòa Bình quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư

(HBĐT) - TP Hòa Bình có dự án đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách nhiều nhất tỉnh. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm có tác động lớn tới phát triển KT-XH của thành phố và tỉnh. Việc triển khai các dự án thường đi liền với những khó khăn, phức tạp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB), bởi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi gia đình. Chính vì vậy, GPMB được cấp ủy, chính quyền thành phố xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Trên 500 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn tránh thành phố Hòa Bình quy mô 4 làn xe

(HBĐT) - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông vừa ký Quyết định số 1708/QĐ-BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn tránh thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Tăng cường sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19

(HBĐT) - Ngày 6/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác sản xuất, cung ứng và kết nối tiêu thụ nông sản (TTNS) trong điều kiện dịch Covid-19. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại điện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, TTNS trên địa bàn. 

Hội nghị chuyên đề kết nối tiêu thụ sản phẩm cam tỉnh năm 2021

(HBĐT) - Sáng 6/10, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề kết nối tiêu thụ sản phẩm cam tỉnh Hòa Bình năm 2021 với đại diện các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu kết nối sản xuất, bao tiêu sản phẩm và các HTX, tổ hợp tác sản xuất cam trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục