(HBĐT) - Hàng năm, huyện Tân Lạc đều thực hiện vượt kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán. Người dân trong huyện ngày càng có ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hộ thực hiện chuyển từ mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn; trồng cây lâm nghiệp bản địa có giá trị kinh tế cao như dổi, trám đen, trám trắng…



Vườn ươm của gia đình anh Bùi Văn Tường, xóm Sung, xã Thanh Hối (Tân Lạc) cung cấp giống cây lâm nghiệp có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ.

Huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 53.089,12 ha; đất quy hoạch cho lâm nghiệp 33.283,46 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 24.674,81 ha, đất chưa có rừng 8.609,32 ha. Trồng rừng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nên hàng năm, huyện tập trung chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn huy động mọi nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu về trồng, chăm sóc rừng. Đến hết tháng 9/2021, huyện đã hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng cả năm. Toàn huyện trồng được 775,78 ha rừng, 41.500 cây phân tán. 

Đồng chí Bùi Văn Phư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Thời gian qua, huyện thực hiện tốt các chương trình trồng rừng sản xuất để giảm nghèo bền vững; chú trọng đưa giống tốt, giống có nguồn gốc phục vụ bà con. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn cam kết cung cấp ra thị trường giống cây chất lượng, có hồ sơ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Lực lượng kiểm lâm bám dân, bám địa bàn phụ trách để hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho chủ rừng. Nhờ vậy, nhiều hộ dân liên kết với nhau để phát triển các mô hình kinh tế từ rừng.

Vườn ươm của gia đình anh Bùi Văn Tường, xóm Sung, xã Thanh Hối là một trong những cơ sở ươm giống và cung cấp giống cây lâm nghiệp lớn nhất của huyện. Anh Tường chia sẻ: Mỗi năm, vườn ươm cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn cây giống, chủ yếu là cây bản địa như trám đen, trám trắng, dổi… Giá bán đối với cây thực sinh khoảng 5.000 - 6.000 đồng/cây; đối với cây ghép từ 30.000 - 40.000 đồng/cây. Toàn bộ cây giống đều có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên được người dân tin tưởng. Vườn ươm không chỉ cung cấp cho bà con trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Ngoài ươm giống, gia đình còn trồng 3 ha rừng sản xuất, gồm keo, trám đen, trám trắng. Mô hình vườn ươm và phát triển kinh tế từ rừng tạo thu nhập ổn định, năm 2020 thu nhập đạt 700 - 800 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thời vụ, mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, 4 lao động được đóng bảo hiểm.

Song song với công tác đảm bảo nguồn giống tốt phục vụ công tác trồng rừng, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ bà con chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Từ năm 2015, huyện bắt đầu trồng rừng gỗ lớn. Hiện, toàn huyện có 21 ha rừng trồng chuyển hóa gỗ lớn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ thực hiện, 220 ha rừng trồng gỗ lớn do dự án bảo vệ và phát triển rừng Tân Lạc đầu tư. Có 230 ha rừng trồng thuộc Đội lâm nghiệp Tân Lạc, Chi nhánh Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý được cấp chứng chỉ FSC.

Đi đôi với phát triển rừng, toàn huyện có 17 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ, đa số là băm dăm. 9 tháng năm nay, toàn huyện khai thác được 730,59 ha rừng trồng, khối lượng 63.817,30 m3. Thu nhập từ rừng đạt trên 43 tỷ đồng. Khai thác được 163 tấn măng tươi, 1 tấn quả trám, 6 tấn quả sấu. Xuất bán được 3.200 tấn dăm mảnh, trị giá 3,2 tỷ đồng. 

Phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng, giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh, huyện phấn đấu trồng 2.000 ha rừng tập trung và 232.000 cây phân tán. Huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng gỗ lớn; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh rừng, bón phân chăm sóc rừng trồng đúng thời điểm để năng suất rừng trồng ngày càng tăng.


Thu Thủy

Các tin khác


Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục