Sản phẩm dầu vừng đen, dầu lạc đen của HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lạc Thịnh mỗi năm trung bình cung ứng từ 8-10 tấn giống ngô, lúa các loại; khoảng 80 - 100 tấn phân bón các loại cho thành viên… HTX ký hợp đồng trồng, bao tiêu sản phẩm với công ty Vạn Phúc, công ty Hùng Sơn trồng dưa bao tử, ớt. Ngoài ra, HTX đẩy mạnh chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Mô hình thành công và lan tỏa tới nhiều hộ dân trong xã. HTX là cầu nối gắn kết người chăn nuôi với tư thương để tiêu thụ sản phẩm. Hiện, HTX có hơn 20 hộ thành viên chăn nuôi gà thương phẩm; mỗi năm cung ứng 2 - 3 vạn con giống, dịch vụ thuốc thú y từ 300 - 400 triệu đồng, thức ăn chăn nuôi 300 tấn/năm. HTX tạo việc làm cho khoảng 30 - 40 lao động.
Song song với phát triển sản xuất, các HTX nông nghiệp chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bà Quách Thị Kim Mai, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Lương chia sẻ: HTX thường xuyên cử cán bộ, thành viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn ngắn, dài hạn. Đầu năm 2020 cử 1 thành viên trẻ đi học cao đẳng ngành trồng trọt; cử 2 quần chúng ưu tú đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Tháng 9/2020 kết nạp thêm 2 đảng viên sinh hoạt tại chi bộ HTX, nâng số lượng đảng viên lên 9 đồng chí.
Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, nhằm tạo động lực cho HTX nông nghiệp phát triển, huyện đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn, có giá trị chất lượng cao. Qua đó, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Tiêu biểu như dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi theo chuỗi giá trị huyện Yên Thủy giai đoạn 2019 - 2020, với sự tham gia của HTX nông lâm nghiệp số 1 Yên Thủy, HTX nông nghiệp Đại Đồng, tổ hợp tác nông nghiệp Tiến Lộc, HTX nông nghiệp Ngọc Lương, quy mô 66 ha. HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu liên kết với khoảng 20 hộ dân xã Bảo Hiệu, Đa Phúc sản xuất trên 10 ha cà gai leo; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo dự án chuỗi giá trị sản phẩm lúa, lạc với các hộ dân xã Ngọc Lương và thị trấn Hàng Trạm, tổng diện tích khoảng 60 ha.
Trong sản xuất, một số HTX áp dụng công nghệ tưới bán tự động, tưới nhỏ giọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu biểu như: HTX nông lâm nghiệp số 1 Yên Thủy, HTX Đại đồng, HTX nông nghiệp Ngọc Lương... Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có 3 sản phẩm của 3 HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: Cao cà gai leo đạt 3 sao của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu; dầu lạc an toàn của HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy đạt 4 sao; bưởi Đại Đồng của HTX nông nghiệp Đại Đồng đạt 4 sao.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện phối hợp Trung tâm Khuyến công tỉnh tư vấn, hỗ trợ HTX nông nghiệp Yên Trị xây dựng đề án hỗ trợ máy sấy lạnh công nghệ hút chân không, tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng (kinh phí ngân sách khoảng 300 triệu đồng).
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện, các HTX nông nghiệp góp phần quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Hiện, trên địa bàn huyện có 29 HTX nông nghiệp với 451 thành viên, lao động thường xuyên 896 người. Tổng tài sản và nguồn vốn hoạt động HTX 136 tỷ đồng. Tổng doanh thu các HTX nông nghiệp đạt 4,12 tỷ đồng, lợi nhuận 890 triệu đồng. Thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX trên 3 triệu đồng/tháng.
Thu Thủy