(HBĐT) - Với những quyết sách, cách làm linh hoạt, phù hợp thực tiễn địa phương, sau hơn 13 năm thực hiện nghị quyết "tam nông” đã làm thay đổi toàn diện nông nghiệp, nông thôn huyện Lạc Thủy. Sản xuất nông nghiệp phát triển hiện đại, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực nông thôn ngày càng nâng cao.



Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) trồng thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững

Hơn 10 năm qua, điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của huyện Lạc Thủy là kiên trì thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Lạc Thủy đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm: Vùng trồng rau an toàn tập trung, tổng diện tích khoảng 155 ha, giá trị sản xuất đạt 351 triệu đồng/ha/năm, tại thị trấn Chi Nê, xã Đồng Tâm, Phú Nghĩa…; vùng trồng cây ăn quả có múi, tổng diện tích 1.318,8 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn, giá trị sản xuất 395 triệu đồng/ha/năm, tập trung tại xã Phú Nghĩa, Thống Nhất. Huyện còn chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao, chè Sông Bôi, thanh long. Chăn nuôi phát triển theo quy mô gia trại, trang trại. Lâm nghiệp phát triển rừng trồng gỗ lớn…

Hàng năm, huyện dành nhiều nguồn vốn cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình HTX có bước phát triển về số lượng, chất lượng. Nhiều HTX nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân sử dụng công nghệ điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà lưới; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử... Tiêu biểu một số mô hình như: Trồng dưa trong nhà lưới của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP, Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam, Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh; công nghệ tưới thông minh điều khiển bằng máy tự động cho cây ăn quả có múi của anh Vũ Duy Tân, xã Thống Nhất… Huyện hình thành các chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa HTX, người dân và doanh nghiệp: Chuỗi liên kết ớt xuất khẩu, chuỗi chăn nuôi gà Lạc Thủy, chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ dê, chuỗi trồng lúa chất lượng cao… Có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Những thành tựu trong đổi mới, chuyển giao và ứng dụng KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đến nay, nông nghiệp Lạc Thủy phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 443.783 triệu đồng (năm 2008) lên 883.497 triệu đồng (năm 2020), ước năm 2021 là 963.011 triệu đồng, tăng 117%, giá bình quân tăng 9%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp từ 38,3% năm 2008 dự tính giảm còn 24,5% năm 2021, dịch chuyển đúng định hướng qua các kỳ đại hội Đảng bộ huyện. Cơ cấu nội ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và giảm dần tỷ trọng trồng trọt. Đến năm 2020, huyện thu hút được 11 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nông thôn trù phú, an lành

Về Lạc Thủy hôm nay, ai cũng phấn khởi chung niềm vui huyện đạt chuẩn NTM. Đó là kết quả của sự hòa quyện giữa ý Đảng, lòng dân trong xây dựng NTM. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã thực hiện theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, huy động lồng ghép từ nguồn ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa. Giai đoạn 2010-2020, người dân đã hiến đất, ngày công, tiền… tổng trị giá khoảng 738.580 triệu đồng.

Lạc Thủy nay là vùng quê trù phú, an lành với những xóm, làng bình yên, những con đường rộng rãi, sạch sẽ, người dân mộc mạc, hiếu khách. Ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành phấn khởi chia sẻ: Giá trị lớn nhất là dân chủ ở nông thôn ngày càng mở rộng, phát huy; tình làng, nghĩa xóm gắn bó chặt chẽ. Hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh nông thôn đảm bảo. Niềm tin của nông dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị không ngừng được nâng lên.

Kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư xây dựng. Tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 70,1%, đường xóm được cứng hóa đạt 75,79%, đường nội đồng cứng hóa đạt 62,2%. Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. 100% hộ dân được sử dụng điện. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, cảnh quan môi trường chuyển biến rõ nét. Toàn huyện có 82,6% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% xã có nhà văn hóa. Công tác xóa đói, giảm nghèo đi vào thực chất, bền vững hơn. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 47,29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 5,07%.

Đồng chí Trịnh Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm chia sẻ: Bắt tay vào xây dựng NTM, Đồng Tâm gặp không ít khó khăn, trở ngại như: Địa bàn rộng, đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển. Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa còn khó khăn. Song, nhờ bám sát các nghị quyết của Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện, cùng sự đồng thuận của Nhân dân, hành trình xây dựng NTM của xã thành công. Năm 2015, xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, xã có 1 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm. Nông nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh như gà, na, cây ăn quả có múi… Cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang.

Thời kỳ mới cho "tam nông”

Mặc dù Lạc Thủy đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển "tam nông”. Song chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, thiếu sự liên kết, giá cả không ổn định, sản xuất chưa tuân thủ quy hoạch. Việc ứng dụng khoa học trong sản xuất còn hạn chế. Liên doanh, liên kết chưa nhiều. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít. Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn tại một số xã chưa đạt yêu cầu đặt ra; chưa có nhiều thôn, xóm xanh - sạch - đẹp theo quy định…

 Giai đoạn 2021 - 2026, huyện hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Mục tiêu cụ thể, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 5,5%/năm. Tập trung phát triển chăn nuôi trang trại. Phấn đấu 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 1 mô hình thí điểm "làng, xã thông minh” trong xây dựng NTM...

Để đạt được mục tiêu trên, theo đồng chí Bùi Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy, thời gian tới, huyện cần tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; xây dựng NTM văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cao toàn diện thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn; thúc đẩy tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao nhanh trình độ KHCN trong nông nghiệp, nông thôn…


Thu Thủy


Các tin khác


Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục