Công ty CP Inca Việt Nam tại phường Hữu Nghị được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 chuyên sản xuất các sản phẩm: trà túi lọc, hạt rang sấy, tinh dầu đóng chai, tinh dầu viên nang giúp ngủ ngon, bổ não, bổ mắt. Công ty đã được nhận nhiều chứng nhận như: Tốp 50 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt; doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu sáng tạo, được chứng nhận sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, trong đó, sản phẩm trà túi lọc đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Công ty hoạt động có hiệu quả, cung cấp sản phẩm đến tất cả các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sản phẩm thô ra nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khó khăn trong khâu tiêu thụ nên công ty tồn kho khoảng 20 tấn nguyên liệu (lá và hạt cây sachi inchi). Nguyên liệu tồn kho dẫn đến máy móc cũng phải tạm ngừng hoạt động. Bà Lê Thị Vân, Giám đốc công ty chia sẻ: Trước khó khăn thực tế, năm 2021, công ty được UBND thành phố đề xuất với tỉnh kết nối cung cầu thông qua các hội nghị và sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, giúp công ty kết nối với các đầu mối tiêu thụ hàng hóa, hiện, công ty đang lên kế hoạch sản xuất các đơn hàng cho năm 2022.
Dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Công ty thủy hải sản Hải Đăng Hòa Bình - doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cá thương phẩm lòng hồ sông Đà. Anh Nguyễn Văn Toản, Phó Giám đốc công ty cho biết: Công ty hiện cung cấp ra thị trường 2 loại sản phẩm là cá thương phẩm và sản phẩm từ cá. Cá được công ty nuôi trên lòng hồ sông Đà theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại có giá trị như: Lăng, chiên, trắm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị, nhà hàng lớn tại Hà Nội. Khi dịch bệnh bùng phát, công tác kiểm soát được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo phòng, chống dịch nên việc lưu thông trong thời điểm này gặp nhiều khó khăn. Bình thường mỗi tháng công ty tiêu thụ từ 20 - 25 tấn cá, thời gian kiểm soát chặt dịch bệnh chỉ tiêu thụ được khoảng 15 tấn. UBND thành phố đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong việc đi lại giao hàng và kết nối trên sàn điện tử Postmart.vn, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Cùng với việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, UBND TP Hòa Bình đã có nhiều giải pháp khác nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Giới thiệu sản phẩm qua các hội nghị, hoạt động hội, đoàn thể thành phố; qua các kênh tuyên truyền, quảng bá như mạng xã hội, trang thông tin điện tử thành phố…
Theo đồng chí Đỗ Thị Loan, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố, ngay khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, UBND thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản chủ lực, như sản phẩm chuối, sản lượng khoảng 200 tấn đến tháng 2/2022; cây ăn quả có múi, sản lượng khoảng 2.330 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 10/2021 - 5/2022; rau xanh khoảng 750 tấn, chủ yếu là bí đỏ, bí xanh, rau vụ đông; nhóm sản phẩm thủy sản khoảng 1.190 tấn và các loại sản phẩm từ động vật trên cạn như gà, dê, lợn. Trong đó, rà soát, dự tính sản lượng cũng như các phương án chế biến, đóng gói sản phẩm khi nông sản có nguy cơ ùn ứ do dịch. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, kết nối với các chuỗi cung ứng như siêu thị, chuỗi bán hàng thực phẩm trong và ngoài tỉnh.
Kịp thời ban hành các quyết định về thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19; phê duyệt phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản chủ lực; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Qua đây, cấp ủy, chính quyền TP Hoà Bình đã góp phần giúp các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.