Năm 2021, HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc) nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP 3 sao trà giảo cổ lam.
Toàn huyện hiện có 27 tổ hợp tác (THT) với 332 thành viên; 48 HTX, 100% HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Doanh thu bình quân năm 2021 của 1 HTX đạt khoảng 11.985 triệu đồng, lợi nhuận bình quân ước đạt 85 triệu đồng/HTX.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của hộ thành viên. Với 28 HTX, đa số đã chủ động áp dụng KH-KT, đưa cơ giới hóa, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp tổ chức trên 6 khâu dịch vụ, gồm: Thủy nông, cung ứng vật tư, làm đất, bảo vệ thực vật, KH-KT, tiêu thụ sản phẩm; hầu hết các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất được các hộ thành viên sử dụng. Một số hộ mạnh dạn mở rộng nhiều dịch vụ có lãi, miễn các khoản dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên.
Hoạt động dịch vụ của HTX nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu của thành viên, mà còn cung cấp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến, tiếp cận các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều HTX nông nghiệp tham gia xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (xã Phong Phú), HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc (xã Tử Nê), HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến (xã Quyết Chiến)...
Cùng với đó, các HTX hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, thương mại, dịch vụ vận tải, du lịch luôn chủ động, sáng tạo đổi mới công nghệ, mở rộng hoạt động kinh doanh để tạo việc làm cho thành viên, người lao động.
Thời gian qua, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX, THT xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ chuẩn hóa 5 sản phẩm gồm: Cam, bưởi, rau su su, rau các loại và dược liệu để tham gia Chương trình OCOP; 12 HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX nông nghiệp Tùng Dương, xã Mỹ Hòa chia sẻ: Năm 2020, HTX bắt tay vào trồng ngô sinh khối với diện tích 16 ha tại xã Mỹ Hòa nên nhu cầu về vốn rất lớn, cần khoảng 400 triệu đồng. Dưới sự hỗ trợ của UBND huyện, HTX được vay từ nhiều nguồn vốn khác nhau với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất; liên kết với các hộ dân huyện Cao Phong, Tân Lạc, TP Hòa Bình mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối. Hiện, tổng diện tích trồng ngô sinh khối của HTX trên 80 ha, với 35 hộ tham gia. HTX tạo việc làm cho hơn 100 lao động; ký liên kết tiêu thụ với Công ty CP T&T 159 và Công ty sữa Mộc Châu (Sơn La).
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số HTX trên địa bàn huyện thực hiện chuyển đổi còn mang tính hình thức, việc góp vốn điều lệ vào HTX rất thấp. Trình độ quản lý của cán bộ HTX hạn chế, mới có 7 cán bộ quản lý HTX trình độ đại học, cao đẳng. Số lượng HTX được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách thấp, chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách về đào tạo, tập huấn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Đa số HTX, THT thiếu vốn phát triển sản xuất.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, huyện tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX; tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình KTTT mới, điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả...
Thu Thủy