(HBĐT) - Đầu tháng 5/2020, bệnh khảm lá sắn được phát hiện trên giống KM419 trồng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) từ nguồn giống sắn nguyên liệu do Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng cung cấp. Tổng diện tích sắn nhiễm bệnh trong năm 2020 là 24,5 ha, đến năm 2021 tăng lên 154,59 ha. Trong đó, nhiều nhất tại huyện Lạc Sơn 144,59 ha, Yên Thủy 10 ha và rải rác tại huyện Mai Châu.
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn).
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV), toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá trong năm 2020 đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, chỉ đạo hộ dân tiêu hủy cây bị bệnh, khuyến cáo không sử dụng hom giống tại vườn bị bệnh cho vụ sau. Các biện pháp xử lý được thực hiện bài bản, đúng quy trình, song ở diện tích xung quanh ruộng đã nhiễm bệnh thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng tái sử dụng giống cho diện tích trồng niên vụ sau, không xử lý tàn dư là gốc, thân sắn mà chất đống trong ruộng, bờ rào. Mặt khác, do giá sắn năm 2020 cao nên niên vụ 2021 người dân mở rộng diện tích trồng sắn. Do đó, bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh, lây lan trên các ổ bệnh cũ tại vùng trồng sắn của huyện Lạc Sơn, Yên Thủy với diện tích lớn.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay từ đầu niên vụ sắn năm 2021, khi phát hiện bệnh khảm lá sắn phát sinh trên diện tích sắn trồng mới tại xã Tân Mỹ, Chi cục TT&BVTV đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các văn bản về việc chủ động các biện pháp ngăn ngừa bệnh khảm lá sắn. Chi cục TT&BVTV phối hợp UBND huyện Lạc Sơn, các xã trên địa bàn có sắn bị nhiễm bệnh và Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng thực hiện điều tra, phát hiện; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch hại có hiệu quả. Phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạc Sơn, UBND xã Tân Mỹ tổ chức phun phòng trừ 100 ha sắn nhiễm bọ phấn trắng đạt hiệu quả tốt, phòng trừ hiệu quả môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, vì mục tiêu lâu dài, nông dân cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích sắn nhiễm bệnh.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đem lại thu nhập cho nông dân bằng hoặc cao hơn so với trồng sắn. Tổ chức chặt chẽ theo hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản xuất "4 nhà”; không tự phát, manh mún. Phạm vi chuyển đổi tại huyện Lạc Sơn gồm các xã: Tân Mỹ, Hương Nhượng, Ân Nghĩa, Yên Nghiệp, Vũ Bình; huyện Yên Thủy gồm các xã Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm. Quy mô thực hiện khoảng 500 ha tại diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn và xung quanh. Căn cứ điều kiện tự nhiên các địa phương, Sở NN&PTNT khuyến cáo bà con có thể chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối (NSK) và cây gai xanh AP1.
Đối với NSK có thể trồng 2 - 3 vụ/năm, sử dụng bộ giống thích nghi rộng, chịu thâm canh mật độ dày, chống ngã đổ, kháng sâu tốt. Một số giống phổ biến như LVN146, SSC586, NK7328, DK7328… Hiện, tại tỉnh nhu cầu mua NSK làm thức ăn cho gia súc rất lớn. Tiêu biểu như Công ty CP T&T 159 trung bình mỗi ngày cần trên 100 tấn thức ăn thô xanh. Công ty đang liên kết thu mua thức ăn thô xanh tại các địa phương trồng NSK trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh trong nước.
Anh Bùi Văn Hiên, xóm Hổ 2, xã Yên Nghiệp chia sẻ: Sau khi được tham gia các lớp tập huấn trang bị kỹ thuật trồng NSK, niên vụ 2021, gia đình tôi đã chuyển đổi 2.000 m2 sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sang trồng NSK. Tôi nhận thấy NSK sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng sắn. Thị trường tiêu thụ NSK tươi ổn định. Đến kỳ thu hoạch, công ty tới thu mua tận vườn với giá 12.000 đồng/kg cây tươi. Năm 2022, gia đình tôi dự định chuyển đổi 5.000 m2 trồng sắn sang trồng NSK.
Cùng với việc chuyển đổi sang trồng NSK thì trồng cây gai xanh AP1 cũng có nhiều tính ưu việt. Là cây lưu gốc, đầu tư trồng 1 lần thu hoạch 10 - 15 năm, mỗi năm thu hoạch 4 - 6 vụ. Sâu bệnh hại ít, thích hợp với nhiều loại đất. Năm 2021, HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã trồng thí điểm cây gai xanh tại 5 xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Giá thu mua của HTX là 39.000 đồng/kg vỏ khô, thu nhập năm đầu đạt 80 - 100 triệu đồng/ha. Thu nhập từ cây gai xanh cao hơn trồng sắn và trồng ngô từ 2,5 - 4 lần. Công ty CP nông nghiệp An Phước đã ký hợp đồng với HTX nông nghiệp Hòa Bình để HTX làm đầu mối liên kết, tổ chức sản xuất, tiêu thụ trực tiếp với từng hộ sản xuất, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm; hỗ trợ kỹ thuật; ứng trước 100% giống và một phần phân bón.
Thu Thủy
(HBĐT) - Ngày 6/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
(HBĐT) - Vừa qua, lô hàng sản phẩm măng chế biến của Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với tổng trọng lượng 14 tấn được xuất sang thị trường Séc. Chuyến xe chở hàng khởi hành trước sự hào hứng, phấn khởi pha lẫn niềm tự hào của cán bộ, nhân viên công ty. Đây là lô sản phẩm thứ 12 trong năm của công ty được "xuất ngoại”, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cũng như nâng tầm giá trị cho các nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.
(HBĐT) - Năm 2021, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần vượt khó của mỗi địa phương, đến hết năm, toàn tỉnh có thêm 9 xã về đích NTM, vượt 3 xã so với kế hoạch. Đáng chú ý, trong đó có những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Quyết Chiến, Gia Mô (Tân Lạc), Cao Sơn (Đà Bắc), Hữu Lợi (Yên Thủy) và nhiều xã có xóm đặc biệt khó khăn.
(HBĐT) - Sáng 5/1, Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Dự hội nghị có các đồng chí: Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
(HBĐT) -Xác định việc quản lý đất đai đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai công tác quy hoạch đối với phần diện tích các nông, lâm trường trả về cho địa phương để phát triển KT-XH, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đang thiếu đất để sản xuất nông nghiệp, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất, lấn chiếm, khiếu nại khiếu kiện về đất đai.
(HBĐT) - Ngày 4/1, Khối thi đua các doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng (TĐKT) năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác TĐ-KT năm 2022.