Theo Bộ Công Thương, sáng 10/1, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở biên giới tại thành phố Đông Hưng (phía Việt Nam là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, bao gồm cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4).
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại bãi kiểm hóa Tân Đại Dương, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh minh họa: Bùi Đức Hiếu/TTXVN.
Đây là những cặp cửa khẩu/lối mở có ý nghĩa rất quan trọng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cả 2 bên. Phía Quảng Tây cho biết trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.
Trước đó, để rà soát và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Quảng Tây đã tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn thành phố Đông Hưng từ ngày 21/12/2021. Sau một thời gian rà soát, căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, Quảng Tây quyết định khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở này để phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.
Như vậy, sau nhiều nỗ lực giao thiệp và trao đổi thiện chí giữa 2 bên, kể từ ngày 5/1/2022, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã lần lượt mở lại nhiều cặp cửa khẩu/lối mở biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam, trong đó có cụm cửa khẩu/lối mở có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên địa bàn Đông Hưng - Móng Cái.
Trong các buổi làm việc với Bộ Công Thương thời gian qua, phía Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cao đối với công tác phòng chống dịch và đề nghị Việt Nam cùng phối hợp để bảo đảm an toàn phương tiện và hàng hóa, nhất là nông sản và thực phẩm đông lạnh, coi đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn tại khu vực biên giới.
Với phương châm "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương một lần nữa khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc; kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó.
Bộ Công Thương nhận định, do dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong khu vực, dự kiến quy trình thông quan tại tất cả các cửa khẩu sẽ còn tiếp tục được siết chặt. Tiến độ thông quan vì vậy, sẽ không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn. Vì vậy, UBND các địa phương vùng trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần chủ động theo dõi sát tình hình để có biện pháp điều tiết sản xuất, thu hoạch, đặc biệt là điều tiết lượng hàng đưa lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh để phát sinh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại cho tất cả các bên.
Theo Baotintuc.vn
(HBĐT) - Ngày 9/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Văn Thành, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Đầu tháng 5/2020, bệnh khảm lá sắn được phát hiện trên giống KM419 trồng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) từ nguồn giống sắn nguyên liệu do Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng cung cấp. Tổng diện tích sắn nhiễm bệnh trong năm 2020 là 24,5 ha, đến năm 2021 tăng lên 154,59 ha. Trong đó, nhiều nhất tại huyện Lạc Sơn 144,59 ha, Yên Thủy 10 ha và rải rác tại huyện Mai Châu.
(HBĐT) - Thời điểm này, khắp các ruộng ven chân núi, cánh đồng khu vực trung tâm xã Độc Lập (TP Hoà Bình) là một màu xanh mướt của rau màu vụ đông. Năm nay khí hậu thuận lợi, rau canh tác theo phương pháp hữu cơ an toàn nên năng suất, chất lượng đều vượt trội so với năm ngoái. Nhân dân đang thu hoạch các loại rau cải, đậu cô ve… Ngoài các cây rau màu truyền thống, bà con mạnh dạn trồng thêm loại cây trồng mới như dâu tây.
(HBĐT) - Là tỉnh miền núi, khu vực nông thôn chiếm 80% dân cư, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 19,98% trong GDP; mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị là những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp tỉnh nhiều năm qua. Do đó, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được kỳ vọng khắc phục triệt để tồn tại này, góp phần thúc đẩy "sản xuất nông nghiệp” sang "kinh tế nông nghiệp”, phát triển nông nghiệp bền vững.
(HBĐT) - Chiều 7/1, Sở Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
(HBĐT) - Tỉnh hiện có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo trình độ phát triển trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, gồm 59 xã khu vực III (thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK); 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm thuộc diện ĐBKK ở các xã khu vực II, khu vực I. Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đây là vùng "lõi nghèo” của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.