Cầu Hòa Bình 2 đưa vào khai thác cuối năm 2021, kết nối hai bờ sông Đà mở ra không gian phát triển đô thị, dịch vụ cho TP Hoà Bình.
Cầu Hòa Bình 2 đưa vào khai thác là sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2021, được coi là cây cầu đẹp nhất trên tuyến sông Đà qua tỉnh và là niềm tự hào, hạnh phúc của mỗi công dân thành phố. Công trình có tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, chiều dài khoảng 780 m, chiều rộng cầu 21,5 m (trên nhịp dẫn) - 24 m (trên nhịp chính), thiết kế 2 trụ tháp kiến trúc tại các trục chính cao 19 m, chiếu sáng bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Công trình nối 2 bờ sông Đà (khu vực phường Đồng Tiến nối với phường Thịnh Lang). Cầu Hòa Bình 2 đưa vào sử dụng đã giải quyết căn bản tình trạng quá tải, thường xuyên ùn ứ cho cầu Hòa Bình vào giờ cao điểm hàng ngày, mở ra không gian rộng lớn phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ của thành phố bên sông Đà. Từ cầu Hòa Bình 2 có thể nhìn thấy cầu Hòa Bình và nhìn về phía hạ lưu là cả một không gian bất tận ven sông với phố phường, cảnh quan đang được quy hoạch, bờ bãi ngút ngàn. Hai bên bờ sông Đà đã trở nên cân đối, hài hòa hơn, được trăng đèn, kết hoa, tỏa ánh sáng lung linh dưới mặt nước sông Đà, mang lại cảm giác vừa thơ mộng vừa văn minh.
Mỗi cây cầu được bắc qua sông gắn liền với sự kiện lớn của thành phố, cũng gợi nhớ những kỷ niệm khó quên cho mỗi công dân thành phố bên sông. Những năm đầu tách tỉnh, thị xã Hòa Binh nhỏ bé và buồn, cơ sở vật chất hầu như chưa được đầu tư, còn bóng dáng của đại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Chiếc cầu phao dập dềnh theo con nước nổi, Nhà máy thủy điện thường hay xả lũ, nước ngập mênh mang có khi trắng cả đầm Quỳnh Lâm. Việc đi lại là cả một nỗi niềm vất vả. Từ tháng 6 - 8 hàng năm, nhà máy thủy điện xả lũ, nước lũ dâng cao, nhiều khi phải tháo cầu phao. Mãi đến năm 2001, thị xã Hòa Bình khi ấy mới có 1 cây cầu bê tông cốt thép bắc qua sông Đà được đưa vào khai thác, mở ra sự phát triển mới trong hành trình nâng cấp đô thị đạt tiêu chuẩn loại III của thị xã Hòa Bình. Suốt nhiều năm, cầu Hòa Bình là địa điểm người dân chứng kiến những màn pháo hoa đón giao thừa chào năm mới, ước mong những điều tốt lành, may mắn trong công việc, cuộc sống. Khoảng 15 năm nay, công trình cầu Hòa Bình 3 được triển khai và sau nhiều lần lỗi hẹn cũng đã được đưa vào khai thác vào Tết Nguyên đán 2020. Cầu Hòa Bình 3 kết nối với quốc lộ 6, địa phận phường Trung Minh, bắt vào nút giao Trần Quý Cáp và Trương Hán Siêu, mở ra không gian rộng lớn phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho bờ trái sông Đà, nhà máy, đô thị, khu dân cư nối tiếp mọc lên... Đây cũng là thời điểm chứng kiến cuộc sáp nhập lớn giữa TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn, giao thương thuận lợi hơn rất nhiều.
Với 3 cây cầu hiện hữu nối liền hai bờ là cơ hội rất lớn để khai thác quỹ đất, phát triển đô thị cho khu vực bờ trái sông Đà. Theo quy hoạch, trên tuyến sông Đà, địa phận Hòa Bình sẽ xây dựng 6 cây cầu chắp cánh ước mơ cho thành phố bước vào tương lai. Diện mạo thành phố đổi thay mạnh mẽ. Khu trung tâm Quỳnh Lâm trở thành khu đất vàng đang triển khai hàng loạt dự án đô thị, thương mại, dịch vụ. Quảng trường Hòa Bình được quy hoạch rộng lớn. Khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà lấp đầy các dự án nhà ở, đô thị, thương mại. Chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao. Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, những trục giao thông chủ lực như đường Chi Lăng kết nối với quốc lộ 6 đã đưa vào khai thác, đường kết nối đường Trần Hưng Đạo với phường Dân Chủ; đường tránh quốc lộ 6 đang được khởi động, cùng với nhiều dự án trong và ngoài ngân sách được khởi động sẽ mở ra sự phát triển mạnh mẽ cho TP Hòa Bình trong những năm tới. TP Hòa Bình đang quy hoạch không gian phát triển hai bên sông Đà đồng bộ với quy hoạch phát triển thành phố, bảo đảm chất lượng, tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để huy động các nguồn lực thu hút đầu tư, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Thành phố tự tin bước vào xuân mới với những dự cảm tốt đẹp, chuẩn bị những điều kiện trở thành đô thị loại II, đô thị vệ tinh vùng Thủ đô hiện đại, văn minh, có bản sắc, là trung tâm của tỉnh, cửa ngõ vùng Tây Bắc.
Lê Chung