(HBĐT) - Đi chợ Tết - một thú vui không thể thiếu trong những ngày giáp Tết của các gia đình người Việt. Hình ảnh chợ truyền thống đông đúc, náo nhiệt, mua bán tấp nập với những hương vị đặc trưng của dịp Tết, đủ các gam màu rực rỡ tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp khiến ai nấy đều xốn xang, háo hức và mong chờ. Thế nhưng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã làm nhiều người dân có tâm lý lo lắng, e dè khi mua sắm Tết tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị… Trước thực tế đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, hạn chế tiếp xúc thì hiện nay có nhiều người lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến (online).


Chị Trần Thị Phương Thúy, tổ 6, phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) lựa chọn sản phẩm phục vụ Tết được đăng bán trên một số trang mua sắm trực tuyến.

Khách hàng chỉ việc lựa chọn sản phẩm mà mình cần mua, người giao hàng sẽ vận chuyển hàng đến địa điểm yêu cầu kiểm tra, nhận hàng và thanh toán. Dạo quanh một vòng mạng xã hội Facebook, Zao, ngay từ đầu tháng 12/2021, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2022 đã rục rịch đón khách. Trong đó chủ yếu là bánh kẹo, mứt, giỏ quà Tết, đặc sản các vùng miền, rượu, bia, quần áo… và cả thực phẩm handmade như: Một số loại mứt, ô mai, bánh chưng, thịt lợn sấy, kim chi…

Hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hòa Bình, chị Trần Thị Phương Thúy, tổ 6, phường Hữu Nghị bộc bạch: Cứ mỗi dịp cuối năm, công việc lại càng bận rộn hơn nên tôi có rất ít thời gian để đi mua sắm. Nhiều năm trước đây, phải đến những ngày gần sát Tết, tôi mới có thời gian để đi mua sắm đồ Tết như: Cây đào, quất, hoa quả, bánh kẹo, gạo nếp, lá dong, quần áo mới cho các con… nhưng vì mua sắm quá muộn mà nhiều mặt hàng đã hết, rất ít sự lựa chọn. Đặc biệt việc xếp hàng dài chờ đợi thanh toán tại siêu thị hay tay xách nách mang hàng hóa khiến tôi khá ái ngại. Giờ đây, với hình thức mua sắm online, tôi đã giảm bớt được áp lực khi đi chợ Tết. Lên danh sách những sản phẩm cần mua, tranh thủ thời gian nghỉ trưa hoặc khi các con đã ngủ để đặt mua đồ, việc mua sắm đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của khách hàng, nhiều người đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội để bán hàng bằng cách đăng tải sản phẩm hay lựa chọn thời gian phát trực tiếp (live stream) để tăng thu nhập. Linh hoạt bắt nhịp với xu thế mới, chị Bùi Thị Nga, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đã lựa chọn mạng xã hội Facebook là kênh bán hàng song song với việc bán hàng trực tiếp tại shop quần áo của mình. Năm nay, mặt hàng mà chị hướng đến là những giỏ quà Tết handmade với thiết kế độc đáo, tinh tế. Trên trang cá nhân, chị Nga đăng tải những giỏ quà cùng thông tin cụ thể của từng loại sản phẩm, giá và lời mời chào ngắn gọn. Chị Nga cho biết: "Hiện nay, giỏ quà Tết hầu hết được đóng sẵn hoặc đóng theo yêu cầu của khách hàng, gồm: Mứt, bánh kẹo, rượu, thuốc lá, chè khô… nhưng đa phần hình thức chưa đa dạng hoặc đơn giản chỉ là sắp xếp các mặt hàng vào giỏ. Những giỏ quà Tết mà tôi bán được lựa chọn từ những sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, với các màu chủ đạo như đỏ, xanh, vàng, sắp xếp bắt mắt, trang trí tỉ mỉ, đúng theo yêu cầu của khách hàng. Giá sản phẩm dao động từ 250 nghìn - 2 triệu đồng.

Hiện nay, trên một số kênh, ứng dụng bán hàng trực tuyến cũng đã có những thay đổi nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Từ giao diện, đồ họa, trang trí Tết đến các chương trình khuyến mại, hỗ trợ phí vận chuyển…

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người mua và người bán nhưng hình thức mua sắm online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Cụ thể như: Sản phẩm nhận được không giống với hình ảnh quảng cáo, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chính sách đổi/trả hàng còn khó khăn… Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi, mọi người cần phải lựa chọn địa chỉ uy tín, đảm bảo để mua hàng, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống vẫn phải đáp ứng thì hình thức mua sắm online khá phù hợp với tình hình thực tế. Dù là hình thức mua sắm nào cũng đều có những lợi ích và hạn chế riêng, mỗi người nên lựa chọn cho riêng mình phương án phù hợp nhất để có một cái Tết trọn vẹn ý nghĩa, bình yên, đầm ấm bên gia đình.


Linh Nhật


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Ngành thương mại, dịch vụ vượt khó trong đại dịch

(HBĐT) - Năm 2021, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại (DVTM) trên địa bàn huyện Lương Sơn đã linh hoạt thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.142 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.

Thêm “trợ lực” để người nghèo vượt khó

(HBĐT) - Năm 2022, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt 32 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng để NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, phấn đấu thứ hạng chỉ số PCI tỉnh tăng 3 bậc

(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 117/QĐ-UBND, ngày 20/1, ban hành Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2022.

Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc

(HBĐT) - Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2021, tình hình chính trị, KT-XH vùng đồng bào dân tộc trong toàn tỉnh cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển; an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ và điểm nóng trên địa bàn tỉnh.

“Níu” chân du khách bởi gà đồi Lạc Sơn

(HBĐT) - Nhiều năm qua, vùng đất Lạc Sơn cuốn hút khách du lịch không chỉ ở những điểm đến tuyệt đẹp như Thác Mu, ruộng bậc thang, suối khoáng nóng Quý Hòa, dổi Chí Đạo… mà còn bởi đặc sản tuyệt vời của vùng đất này là gà đồi. Đây là một trong các sản phẩm được nhiều người ưa thích muốn khám phá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục