Ngân hàng LienVietPostBank Hoà Bình mở rộng mạng lưới chi nhánh cho vay vốn tới người dân các huyện trên địa bàn tỉnh.
Các ngân hàng, TCTD đã thể hiện rõ nét vai trò góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, NHNN tỉnh đã điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
NHNN tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống. Đến cuối năm 2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26%, tín dụng tăng trưởng 13% so với cuối năm 2020.
Theo đó, tổng dư nợ toàn địa bàn tính tính đến ngày 31/12/2021 đạt 29.310 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2020, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tăng trưởng toàn ngành (13%). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 43,2% tổng dư nợ, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 56,8% tổng dư nợ.
Lãi suất cho vay được NHNN tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm dần mặt bằng, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 4,5%/năm (đối với NHTM), 5,5%/ năm (đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)). Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường: ngắn hạn tại các NHTM phổ biến 7 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 5,9 - 12,7%/năm; QTDND: ngắn hạn từ 9,1 - 10,2%/năm, trung dài hạn từ 10,2 - 11,6%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng: Ngắn hạn của các NHTM dao động từ 7 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 13%/năm, QTDND từ 11 - 12,2%/năm.
Cũng theo đồng chí Ngô Quang Lợi, năm 2022, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19; triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, trọng tâm của ngành ngân hàng và đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Mục tiêu định hướng với nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 16% trở lên; dư nợ tín dụng tăng 14% và được báo cáo điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế của ngành, của địa phương. Giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.
Đặc biệt, ngành ngân hàng tỉnh tập trung phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thanh toán hiện đại; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán; ứng dụng công nghệ hiện đại, các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng số, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, thuận lợi. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công trên địa bàn, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế. Tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các đơn vị chấp nhận thanh toán, khách hàng hiểu rõ sử dụng dịch vụ thanh toán an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; thường xuyên nâng cao cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ thanh toán cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
Hồng Trung