(HBĐT) - Về Mường Động - Kim Bôi những ngày đầu xuân cảm nhận sức sống mới với diện mạo nông thôn khởi sắc… Có chủ trương đúng, có sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, ngành, vùng đất chén vàng hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư.

 


Một góc khu du lịch Serena Resort Kim Bôi.


Tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển

Nằm ẩn sâu trong thung lũng, bao quanh là núi rừng đại ngàn, suối khoáng Kim Bôi trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn những ai thích nghỉ dưỡng và muốn hòa mình vào trong sự an lành, tươi mát của thiên nhiên. Không những có lợi thế về nguồn nước khoáng được đánh giá tốt nhất tại Đông Nam Á, nơi đây còn thu hút với vẻ đẹp của cảnh quan hùng vĩ, những địa điểm vui chơi hấp dẫn và cả những món ăn mang đậm hương vị truyền thống của đồng bào Mường…

Tuy nhiên, trong thời gian khá dài, hoạt động du lịch chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, nguyên nhân chính được huyện chỉ ra là do hoạt động du lịch chưa có định hướng tổng thể; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Hiểu rõ "gót chân Asin”, cụ thể hóa các định hướng quy hoạch phát triển du lịch tỉnh, đồng thời bám sát nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, Kim Bôi đã xây dựng đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 - 2020, hiện tiếp tục xây dựng đề án giai đoạn 2021 - 2025. Chính việc định hướng đúng và trúng đã tạo động lực cho huyện phát triển.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện mới có 5 điểm du lịch khai thác và hoạt động hiệu quả; có 6 dự án được UBND tỉnh phê duyệt và đã tiến hành đầu tư xây dựng. Tổng lượt khách đến huyện trong giai đoạn đạt 280.000 lượt, doanh thu 200 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 5%/năm. Hiện nay, có 32 dự án lớn về du lịch chuẩn bị đầu tư vào đất "chén vàng”, tập trung ở 3 vùng: Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Đông Bắc; Vĩnh Đồng, thị trấn Bo; Sào Báy, Mỵ Hòa, Cuối Hạ.

Đồng chí Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện nhận định: Tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng quyết tâm thực hiện tuyến đường nối từ đường Hòa Lạc về trung tâm du lịch huyện, quy mô dự kiến dài 32 km, rộng 27 m. Khi hoàn thành, thời gian từ Hà Nội đến huyện chỉ khoảng 1 giờ xe chạy. Cùng với đó, thị trấn Bo được quy hoạch với tổng diện tích 6.000 ha; tuyến đường nội thị dài khoảng 6,9 km do huyện đầu tư với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Theo đánh giá, cùng với tiềm năng sẵn có, đây được xem là hai cú huých giúp Kim Bôi nổi lên là "thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài tỉnh.

Cùng với du lịch, nông nghiệp được huyện xác định là một trong những trụ cột của nền kinh tế địa phương. Với các đề án mang tính bao trùm, trong đó nổi bật là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp các giai đoạn 2015-2020, 2021-2025 và mục tiêu xuyên suốt là nâng cao thu nhập cho người dân, Kim Bôi tăng cường hỗ trợ, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn sinh thái gắn với mở rộng thị trường.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện, năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,8%, vượt kế hoạch đề ra; giá trị sản phẩm thu trên 1 ha đất canh tác tăng từ trên 100 triệu đồng (năm 2015) lên gần 200 triệu đồng (năm 2021). Huyện đã, đang bảo vệ và phát triển 3 nhãn hiệu tập thể: Nhãn Sơn Thủy, cam Mường Động, bưởi Mường Động; có 13 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao; toàn huyện có 300 ha trồng cây đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Chọn Kim Bôi để "gửi vàng”

Các Tập đoàn Vingroup, Sun Group và nhiều doanh nghiệp lớn đang nghiên cứu, khảo sát lĩnh vực du lịch sinh thái, đô thị. Công ty CP châu Á Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn APEC đã mua toàn bộ dự án của một doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng không triển khai để thực hiện dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khách sạn đạt chuẩn 5 sao tại xóm Mớ Đá, thị trấn Bo, đây được coi là mảnh "đất vàng” để phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng đẳng cấp.

Sớm nhìn ra thế mạnh của khu đất và tiềm năng du lịch tại đất chén vàng, cùng quyết tâm bảo tồn, phát triển không gian lao động, sản xuất của đồng bào Mường, phát triển Serena Resort trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng kết nối hoàn hảo với thiên nhiên, Công ty CP đầu tư Lạc Hồng (Hà Nội) đã tạo nên một điểm nghỉ dưỡng hút khách du lịch trong và ngoài nước tại Kim Bôi. Theo đại diện công ty, với quy mô 30 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án 215 tỷ đồng, khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 115 lao động, trong đó gần 90 người là con em các xã, huyện lân cận.

Là một trong những nhà đầu tư lớn ở Kim Bôi, Công ty CP châu Á Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn APEC đang triển khai dự án nghỉ dưỡng cao cấp khách sạn đạt chuẩn 5 sao tại xóm Mớ Đá, thị trấn Bo. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 35,6 ha; đây là tổ hợp nghỉ dưỡng hoàn chỉnh bao gồm các khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khu tổ hợp giải trí đa tiện ích và khu nghỉ dưỡng cao cấp, định hướng phát triển mô hình du lịch sức khỏe - văn hóa - giải trí "all-in-one".

Về Kim Bôi hôm nay, trong tiết trời nắng ấm của mùa xuân, đi trên những con đường nhựa thẳng tắp nối các dự án du lịch trên địa bàn; những nụ cười, ánh mắt rạng ngời của người dân càng cảm nhận rõ sắc xuân trên vùng đất Mường Động - xuân của niềm tin và hy vọng.

 


Trưng bày sản phẩm OCOP 3 sao - cơm lam Mường Động. 



Hiện nay, diện tích cây ăn quả tập trung của huyện là 1.934 ha, trong đó diện tích kinh doanh gần 1.570 ha, trồng mới 138 ha. Ảnh: Nông dân thu hoạch nhãn Sơn Thủy.


 

Hải Yến



 

Các tin khác


Doanh nghiệp một năm vượt khó

(HBĐT) - Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nhiều DN đã không ngừng nỗ lực, bền bỉ, sáng tạo vượt qua những khó khăn trước mắt, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD), tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Dấu ấn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

(HBĐT) - Tờ lịch cuối cùng của năm Tân Sửu được bóc cũng là chuẩn bị khép lại một năm đầy chông gai, biến động bởi dịch bệnh, thiên tai đè nặng lên nền kinh tế. Nhiều dự định, kế hoạch lớn không thể thực hiện. Cũng không ít hoạt động bị ảnh hưởng, nhất là những hoạt động đối ngoại tập trung đông người. Tuy vậy, 2021 lại là năm ghi dấu ấn lớn trong sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với phương châm linh hoạt, thích ứng, sát việc.

Vị Tết từ sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Tết đến, xuân về, bất cứ gia đình nào cũng tỉ mỉ lựa chọn những đặc sản địa phương để bầy mâm ngũ quả, chế biến món ăn và làm quà biếu. Những năm gần đây, sản phẩm OCOP trở nên quen thuộc đối với người dân trong tỉnh, tạo một nét riêng, làm nên cái "Tết OCOP”.

Ấm áp vùng quê nông thôn mới

(HBĐT) - Một mùa xuân mới lại về trải nắng vàng ấm áp trên mỗi cung đường, ngõ xóm. Gác lại lo toan thường nhật để rong ruổi đến các miền quê mới thấy cuộc sống đã thực sự đổi thay. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không khí đón năm mới có phần trầm lắng, song, niềm vui trước sự đổi mới, phát triển được ghi dấu. Không vui sao được khi trong bối cảnh khó khăn chồng chất, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ của người dân, năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt được kết quả ngoài mong đợi. Toàn tỉnh có thêm 9 xã về đích NTM, vượt 3 xã so với kế hoạch đề ra. Đáng nói, trong đó có tới 4 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn là Quyết Chiến, Gia Mô (Tân Lạc), Cao Sơn (Đà Bắc) và Hữu Lợi (Yên Thủy).

Ngọt thơm cam, bưởi Hòa Bình

(HBĐT) - Những ngày cuối năm, khi cái lạnh giá của mùa đông còn vương vấn, xuân về cũng là lúc ghi dấu thời khắc đất trời bắt đầu một vòng quay mới. Thời tiết còn chưa vội chuyển mình nhưng sắc xuân rực rỡ đã lan tỏa đến mọi nơi trên đất Mường, đặc biệt là ở những vùng trồng cam, trồng bưởi. Từng đoàn người, đoàn xe háo hức vào trải nghiệm vườn cam, vườn bưởi đã làm không khí trở nên vui tươi, rộn ràng. Không khí ấy đã sưởi ấm lòng người dân địa phương cũng như chính những du khách ghé thăm nơi đây.

Những dấu ấn xanh hy vọng

(HBĐT) - Có mặt tại Hòa Bình từ năm 2006, đến nay, tổ chức Good Neighbors International (GNI) không chỉ giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng vật phẩm thiết yếu, tài trợ xây dựng các công trình giáo dục mà còn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện vệ sinh môi trường và nâng cao cơ hội tiếp cận nước sạch… để lại những dấu ấn xanh hy vọng tại nhiều thôn, xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục