Để bảo đảm ổn định nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Người dân Quảng Ninh đổ xô đi mua xăng vì sợ tăng giá (Ảnh chụp ngày 10/3/2022). Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Thiếu hụt do 2 nhà máy lọc dầu trong nước cắt giảm sản lượng
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian gần đây, ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị trên thế giới, dịch bệnh… đã tác động lớn đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cũng khó khăn.
Trong nước, từ đầu tháng 1 và tháng 2/2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên việc sản xuất của nhà máy phải ngừng hoạt động. Vì vậy, không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn còn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm. Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1/2022, Nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất.
Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2/2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (tháng 2 kế hoạch giao là 739.900 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 365.200 m3; trong đó xăng giảm 40% và dầu DO giảm 58%), tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Còn theo báo cáo của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước giảm nên từ cuối tháng 1/2022, Nhà máy này đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%. Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 350.000 m3 xăng và 270.000 m3 dầu mỗi tháng.
Tuy nhiên, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Ngay trong tháng 1/2022, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất sản xuất, Bộ Công Thương đã điều hành linh hoạt, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất. Vì vậy, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước 2 tháng đầu năm 2022 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân cơ bản được bảo đảm và có dự trữ gối đầu sang tháng 3.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Công Thương, sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm (do nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất). Dự kiến tháng 3 giảm so với kế hoạch 20%, chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Bộ nên tháng 3 nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Vì vậy, ngày 22/2/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo đó, ngày 24/2/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong Quý II/2022. Đồng thời, Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan, bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành phù hợp (trong điều hành giá xăng dầu trong nước và các biện pháp tạo điều kiện về nhập khẩu như mở hạn mức tín dụng, thủ tục hải quan...) nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Những giải pháp lâu dài
Với tình hình cung ứng xăng dầu như báo cáo của Bộ Công Thương cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân.
Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng).
"Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức
Mối quan hệ và liên kết chặt chẽ giữa Việt Nam và Mỹ đã tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế và mở rộng quan hệ thương mại song phương, theo nhận định của trang Vietnam Briefing.
Mới đây, Bộ Tài chính đã xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường của các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn.
Chiều 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với một số bộ, ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
(HBĐT) - Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng ở các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh. Từ phong trào, nhiều nông dân đã vươn lên trở thành những hộ khá, hộ giàu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Đồng thời, củng cố niềm tin giữa hội viên với tổ chức Hội, qua đó ngày càng thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
(HBĐT) - Bằng các chương trình, dự án lồng ghép, đào tạo, dạy nghề và hoạt động cho vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc đã có điều kiện vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 18,62%, giảm 5,13% so với năm trước, vượt 0,63% kế hoạch tỉnh giao; hộ cận nghèo còn 2.760 hộ, chiếm 18,83%.
Kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế đang được củng cố bằng những điểm sáng về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động thương mại quốc tế, thu hút vốn đầu tư... đồng loạt diễn ra từ đầu năm 2022.