(HBĐT) - Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng ở các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh. Từ phong trào, nhiều nông dân đã vươn lên trở thành những hộ khá, hộ giàu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Đồng thời, củng cố niềm tin giữa hội viên với tổ chức Hội, qua đó ngày càng thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển kinh tế từ mô hình trang trại sản xuất gà giống Lạc Thủy.
Ở thôn Bôi Cả, xã Nam Thượng (Kim Bôi), ông Bùi Văn Yêm được biết đến là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương, là người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, được HND tỉnh, huyện công nhận danh hiệu nông dân SXKDG năm 2020. Ông chia sẻ: Để khích lệ hội viên tham gia phong trào nông dân thi đua SXKDG có hiệu quả, các cấp HND từ huyện tới xã đã tạo mọi điều kiện để nông dân được hỗ trợ vay vốn, tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Từ kiến thức lĩnh hội được và nguồn vốn vay ưu đãi do các cấp Hội làm cầu nối, gia đình mạnh dạn đầu tư quy hoạch lại vườn, chuồng trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, gia đình có một trang trại trồng bưởi, chuối tiêu hồng với diện tích khoảng 1 ha và một khu chăn nuôi lợn cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương.
Đó chỉ là một trong hàng nghìn hộ nông dân trên toàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực 1 trong 3 phong trào lớn của Hội. Họ là những người không cam chịu cái nghèo, biết tiếp thu và ứng dụng thành công tiến bộ KHKT vào sản xuất để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2021, toàn tỉnh có 71.000 hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ SXKDG các cấp, trong đó có 35.000 hộ đạt (đạt 106% kế hoạch). Để có được kết quả đó, các cấp Hội xác định chuyển từ tuyên truyền, vận động thuần túy sang đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 80 lớp nghề về trồng trọt, chăn nuôi gia súc; phối hợp mở 88 lớp dạy nghề ngắn hạn cho trên 2.000 lượt hội viên. Đồng thời, các cấp Hội làm tốt vai trò cầu nối, nhận uỷ thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất. Hiện, từ việc nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi của 3 ngân hàng với tổng dư nợ đạt trên 3.517,7 tỷ đồng, các cấp Hội thông qua trên 1.700 tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 54.700 hộ hội viên vay. Hội cũng tiếp nhận và quản lý tốt 40 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do T.Ư Hội ủy thác và nguồn vốn của tỉnh phân bổ. Thực hiện có hiệu quả 194 dự án cho trên 1.300 hộ vay.
Không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, phát triển sản xuất, phong trào còn có tác động tích cực đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, một số hộ nông dân SXKDG đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc, ký các hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất, các chuỗi liên kết phát huy thế mạnh địa phương. Trong đó, phải kể đến các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả như: Chuỗi rau an toàn của HTX nông nghiệp hữu cơ Thành An (Lương Sơn); chuỗi cam các loại của HTX nông trại xanh Gfarm Việt Nam (Lạc Thủy); chuỗi chế biến măng các loại của Công ty CP nông lâm sản Kim Bôi... Nhờ đó góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch HND tỉnh khẳng định: Phong trào nông dân thi đua SXKDG đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, vươn lên làm giàu của nhiều hội viên, nông dân. Từ những hiệu quả thiết thực, phong trào đã trở thành điểm sáng trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nỗ lực đưa phong trào phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu hàng năm số hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp tăng dần qua từng năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân khoảng 2 - 3%/năm.
Thu Hằng
(HBĐT) - Ngày 12/3, tại chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã diễn ra chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân”. Tham gia chương trình có đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đại diện lãnh đạo một số ngành, đơn vị trong tỉnh và đại diện lãnh đạo Hội Nông dân (HND) 3 tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La.
(HBĐT) - Xác định cơ sở hạ tầng đi trước một bước, tạo đà cho KT-XH phát triển, trong nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cao Phong đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Qua đó từng bước hiện thực hóa quyết tâm thu hút đầu tư, tận dụng các nguồn lực để phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Về Phú Thành (Lạc Thủy), điều ai cũng nên thử là ngồi nhâm nhi một chén chè xuân. Trong tiết trời se lạnh, cầm trên tay chén nước màu vàng sáng quyện với hương thơm tự nhiên, nhấp một ngụm để cảm nhận hương vị đậm đà, chát ngọt.
(HBĐT) - Khi những cơn mưa đầu xuân xuất hiện cũng là lúc báo hiệu vào mùa măng đành hanh (măng ngọt, măng đắng) ở huyện Mai Châu. Vài năm trở lại đây, các loại măng này được nhiều người ưa chuộng, tư thương đến tận nơi thu mua, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
(HBĐT) - Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã dần trở thành xu thế tất yếu, mở ra cho mỗi nước, mỗi nền kinh tế, tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển mạnh. Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tập trung triển khai CĐS trên 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số (KTS), xã hội số và 8 lĩnh vực ưu tiên gồm: y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên và môi trường; sản xuất công nghiệp.