(HBĐT) - Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại của Hòa Bình nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng có nhiều khởi sắc với giá trị xuất khẩu tăng từng năm. Mặt hàng và thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng. Tuy vậy, theo đánh giá của tỉnh, thương mại chưa khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp. Vai trò gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng của thương mại còn hạn chế; chưa hình thành và phát triển được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đến nay, một số nông sản chủ lực như các loại quả có múi (cam, bưởi), các loại rau ngắn ngày, thịt gia súc, gia cầm… chưa được chế biến sâu, mới chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước nên giá trị gia tăng thấp, hiệu quả SX-KD hạn chế. Do vậy, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất, nhập khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra.




Hiện, sản phẩm của chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam tại Hoà Bình (KCN Lương Sơn) đã có mặt tại thị trường nhiều nước.

Năm 2022, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.437 triệu USD, tăng xấp xỉ 18% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu điện tử đặt mục tiêu đạt 803 triệu USD; rau quả, nông sản 13,5 triệu USD; dệt may 462 triệu USD; sản xuất kim loại 98 triệu USD và hàng hóa khác phấn đấu đạt 59 triệu USD. Hiện nay, mặc dù các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường truyền thống của tỉnh đã cơ bản mở cửa nền kinh tế. Song, để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm nay không dễ dàng, bởi các nước vẫn phải đối phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; thị trường thế giới hiện biến động mạnh do ảnh hưởng của các cuộc xung đột, chiến sự; đặc biệt là tình hình thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh… gặp rất nhiều trở ngại, dẫn đến lượng hàng hóa nông sản dồn ứ lớn.

Sớm nhìn nhận những thách thức, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố phối hợp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường xuất khẩu. Theo đó, các ngành, địa phương, nhất là ngành công thương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp (DN) về quy tắc xuất xứ và cách thức tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuyên truyền đến các DN, cơ sở SX-KD theo chuyên đề, tạo điều kiện giúp DN, nhất là DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi liên kết ngành theo chiều dọc giữa các DN vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước trên địa bàn tỉnh.

Ngành Công Thương đã chủ động, sát sao nắm bắt thông tin thị trường, tình hình thông quan hàng hóa để kịp thời thông tin với DN, HTX có hoạt động xuất khẩu. Đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa kể cả đường bộ, đường không, đường biển, nhất là đối với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước EU.

Từ nhiều năm nay, sản phẩm cháo sen bát bảo của chi nhánh Công ty  CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam tại Hoà Bình (KCN Lương Sơn) không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính. Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc chi nhánh chia sẻ: "Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm của công ty. Tuy vậy, DN đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thích ứng an toàn trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo SX-KD không bị ngắt quãng, không để công nhân mất việc làm. Công ty nghiên cứu cho ra mắt mặt hàng mới, giúp đa dạng, phong phú sản phẩm để khách hàng lựa chọn. Song song với đẩy mạnh cung ứng hàng hóa trong nước, chúng tôi đã khai thác tiềm năng ra thị trường nước ngoài, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm". Được biết, ngay đầu năm nay, với sự phối hợp của Sở NN&PTNT, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), chi nhánh Công ty Minh Trung đã xuất khẩu mặt hàng cháo sen bát bảo sang thị trường Nhật Bản với số lượng 20 tấn, tương đương 3.900 thùng sản phẩm, tổng giá trị khoảng 56.000 USD, đây là thị trường lớn của công ty. Cùng với Nhật Bản, đến nay, các sản phẩm của Minh Trung đã được xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…

Cũng như chi nhánh Công ty Minh Trung, thời gian qua, các DN xuất khẩu của tỉnh đã quan tâm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, khuyến khích các DN tăng cường triển khai hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến, chú trọng quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử… Đồng thời tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh có định hướng tăng cường thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ logistics, thúc đẩy và gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu. Có sự liên kết giữa các DN xuất, nhập khẩu với các DN logistics, DN vận tải biển, DN bảo hiểm và ngân hàng để đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là sự linh hoạt, nhạy bén của DN đã giúp lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục chuyển động mạnh. Trong tháng 2 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 113 triệu USD, tăng 2,13% so với tháng trước. Tính cả quý I/2022, giá trị xuất khẩu ước đạt 361,85 triệu USD, tăng 86,13% so với cùng kỳ năm trước, bằng 25,2% kế hoạch năm; trong đó riêng nhóm hàng điện tử đạt 208,12 triệu USD, tăng 101% so với cùng kỳ năm trước và nhóm hàng dệt may đạt 106,24 triệu USD, tăng 52,58% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản đạt kết quả tích cực, nhất là xuất khẩu mía trắng sang thị trường EU đi vào giai đoạn ổn định với lượng mía đặt hàng từ 2 - 4 contener/tháng.

Hoàng Nga

Các tin khác


Tập trung nguồn vốn cho vay phục hồi nền kinh tế

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) được điều hành theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế và trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của NH, đồng thời bám sát vào chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế của tỉnh cũng như định hướng từ Chính phủ.

Liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa

Những chuyển động tích cực trong sản xuất, kinh doanh đang diễn ra khá đồng đều trong cả nước. Vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch, doanh nghiệp luôn có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới, những giải pháp cụ thể nhằm nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển trong tình hình mới.

Khai trương Nhà máy - thương hiệu Vinamake 

(HBĐT) - Ngày 20/3, Công ty cổ phần Vinamake tổ chức khai trương Nhà máy - thương hiệu Vinamake và Chi nhánh Nutri Mart thành phố Hòa Bình, tại địa chỉ tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình. Dự khai trương có các đồng chí nguyên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo thành viên thuộc hệ thống của Tập đoàn Vinapharma - Group. Về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành cùng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Nhân rộng các hợp tác xã điển hình tiên tiến

(HBĐT) - Năm 2021, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã lựa chọn được 22 HTX điển hình tiên tiến để tuyên dương, nhân rộng. Các HTX điển hình tiên tiến đại diện cho sự năng động, sáng tạo với những cách làm hay, hiệu quả, tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế tập thể, HTX.

Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác thuế

(HBĐT) - Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính (TTHC); chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để đảm bảo triển khai thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT)... Đó là nhiệm vụ trọng tâm được Cục Thuế tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện.

Giải pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông

(HBĐT) - Quán triệt chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục