(HBĐT) - Thời điểm này, nông dân tập trung chăm sóc cây vụ xuân. Dưới sự chỉ đạo của ngành NN&PTNT tỉnh, các cơ quan chuyên môn, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại trên một số loại cây trồng nhằm bảo vệ sản xuất.
Tiến sĩ sinh học Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam hướng dẫn thành viên HTX 3T Farm (Cao Phong) pha nước tưới điều trị tuyến trùng trên cây ăn quả có múi.
Trên khắp cánh đồng trên địa bàn huyện Mai Châu, nông dân tập trung chăm sóc lúa, ngô, cây màu. Bà Nguyễn Thị Bình, xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình gieo trồng chủ yếu là rau màu như su su, bắp cải, cải thảo... Trước khi gieo trồng, gia đình đã vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư trên những diện tích cây trồng vụ đông đã thu hoạch. Trong quá trình gieo trồng, cây được bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thời điểm này thời tiết thường có mưa, độ ẩm cao rất dễ xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh hại trên rau màu như sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, bệnh thối nhũn, sưng rễ… Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, gia đình tích cực bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình phát triển của cây, chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp để kịp thời xử lý khi phát hiện sinh vật gây hại.
Các diện tích lúa chính vụ tại huyện đang trong giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Qua rà soát tại các địa bàn, ngành chuyên môn đã phát hiện một số đối tượng như: Ốc bươu vàng (OBV), chuột gây hại, tập đoàn rầy, dòi đục nõn, bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ gây hại rải rác tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn… Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường điều tra, bám sát địa bàn và dự báo sinh vật gây hại. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại cây trồng.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV), trên các trà lúa trong toàn tỉnh, OBV đã gây hại với diện tích nhiễm 84 ha, nhiễm nhẹ 72 ha, nhiễm trung bình 12 ha, tại các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn, Kim Bôi. Chuột tiếp tục gậy hại trên 2 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh tại huyện Lạc Thủy. Bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ vùng ổ bệnh cũ, giống nhiễm với diện tích 7 ha. Bọ xít đen gây hại trên lúa giai đoạn bén rễ hồi xanh - đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ tại huyện Mai Châu... Sâu keo mùa thu (SKMT) gây hại trên 36 ha ngô xuân tại huyện Lạc Thủy. Ngoài ra, bọ trĩ, bệnh loét, bệnh sẹo, nhện nhỏ, bệnh greening, vàng lá thối rễ… cũng xuất hiện và gây hại phổ biến trên CAQCM phân bố tại địa bàn các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lương Sơn, Tân Lạc…
Dự báo trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết âm u, sương mù, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh trên các giống nhiễm, tại các ổ bệnh cũ nếu không có biện pháp quản lý kịp thời; tập đoàn rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ trĩ, dòi đục nõn... tăng dần mật độ và gây hại trên lúa xuân sớm, chính vụ. Chuột tiếp tục gây hại những ruộng cạn nước, ruộng gần gò đồi, ven làng, ngoài lúa còn gây hại trên các cây trồng cạn khác. Sâu vẽ bùa, rệp muội, nhện nhỏ, bọ trĩ, sâu đục thân, bệnh chảy gôm, bệnh thán thư, bệnh đốm nâu, tiếp tục gây hại trên CAQCM giai đoạn phát triển lộc, ra hoa - đậu quả non…
Trước tình hình đó, ngành NN& PTNT tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện tốt những giải pháp về tăng cường phòng, chống tổng hợp SKMT hại ngô và các loại cây trồng; tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây trồng vụ xuân 2022. Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV tỉnh lưu ý: Để phòng, chống sâu bệnh hại hiệu quả trên cây trồng, các cơ quan chuyên môn cấp huyện tiếp tục tăng cường điều tra, theo dõi sự phát triển, gây hại của sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ. Người dân cần thường xuyên thăm đồng, bón phân cân đối và phun thuốc phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đối với CAQCM giai đoạn ra hoa, đậu quả cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Tranh thủ thời tiết thuận lợi chỉ đạo nông dân chăm sóc, làm cỏ, bón phân kịp thời cho diện tích lúa đã cấy và các cây trồng cạn theo đúng quy trình kỹ thuật. Bón đầy đủ cân đối giữa đạm, lân, kali, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng nghẹt rễ hạn chế sâu bệnh hại cuối vụ…
Thu Hằng