Từ nguồn vốn chính sách, hội viên Hội phụ nữ xã Thu Phong (Cao Phong) có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, xóm Nam Sơn, xã Thu Phong là một trong những hội viên tiêu biểu trong thực hiện phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, đời sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất. Nhờ được cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền, tư vấn và kết nối với NHCSXH huyện, năm 2010, gia đình chị được vay 50 triệu đồng đầu tư mô hình chăn nuôi gà. Từ việc sử dụng hiệu quả vốn chính sách, hiện gia đình chị Mai sở hữu trang trại quy mô khoảng 5.000 m2; vườn cây ăn quả với 350 gốc cây có múi các loại, 2 khu chuồng chăn nuôi gà thịt, mang lại nguồn thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng/năm.
Ngoài chị Mai, trên địa bàn huyện còn nhiều HVPN tiêu biểu trong phát triển kinh tế từ nguồn vốn ưu đãi, như: Vũ Thị Lệ Thủy, Tô Bích Ngọc (thị trấn Cao Phong), Bùi Thị Hạnh (xã Hợp Phong)… Nhiều hộ hội viên không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Hàng năm, Hội LHPN huyện tranh thủ các nguồn vốn, đặc biệt là vốn chính sách ưu đãi từ NHCSXH để tạo điều kiện cho HVPN vay. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội phối hợp tổ chức tập huấn cho các cơ sở hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhằm thực hiện tốt công tác quản lý các nguồn vốn vay. Tích cực tuyên truyền cho HVPN nắm bắt thủ tục vay, tư vấn, hướng dẫn hộ vay thực hiện tiết kiệm đều đặn để trả vốn vay đúng thời hạn. Hàng tháng, Hội phối hợp NHCSXH đối chiếu dư nợ, đôn đốc các hộ vay đến hạn, lãi tiền vay, tiền gửi tiết kiệm qua tổ. Tham gia giao ban định kỳ 2 tháng/lần nhằm đánh giá kết quả hoạt động ủy thác, nêu ra những khó khăn để 2 bên cùng phối hợp giải quyết, đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của những tháng tiếp theo. Thông qua sinh hoạt, Hội tổ chức kiểm điểm việc chấp hành quy định của các tổ TK&VV. Đồng thời nắm bắt, phát hiện trường hợp rủi ro hoặc sử dụng vốn vay sai mục đích để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Hiện, Hội LHPN huyện quản lý 51 tổ TK&VV với trên 1.880 thành viên vay vốn, tổng dư nợ đạt 80,74 tỷ đồng. Trong quý I, các cơ sở Hội đã kiểm tra 8 tổ TK&VV, 81 hộ vay, kết quả cho thấy các hộ vay đúng mục đích, không có hộ xâm tiêu.
Ngoài giúp HVPN tiếp cận với nguồn vốn chính sách, hàng năm, Hội phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, vận động hội viên tích cực tham gia để có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Tổ chức cho hội viên đi thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đến nay, nhiều hộ hội viên đã xây dựng được các mô hình kinh tế phù hợp, trở thành hộ khá giả.
Đồng chí Lê Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hiệu quả của hoạt động ủy thác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên. Toàn huyện hiện có trên 1.300 hộ HVPN thu nhập từ 100 triệu - trên 1 tỷ đồng. Qua hoạt động vay vốn, đa số chị em đã khẳng định được vai trò làm chủ gia đình, không còn tự ti, mặc cảm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ chị em nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Thu Hằng