Du khách thăm quan Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong (Cao Phong).
Hiện nay, trên địa bàn huyện có những dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế. Điển hình như: Quần thể du lịch núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong), tuyến du lịch chùa Quèn Ang (xã Hợp Phong), khu di tích lịch sử quốc gia chùa Khánh (xã Thạch Yên), điểm du lịch vùng hồ thuộc xã Bình Thanh, Thung Nai... Nhờ thu hút thành công các dự án, huyện bước đầu xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 300.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% cơ cấu kinh tế của huyện.
Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm phát huy tốt hơn tiềm năng về phát triển du lịch, thời gian tới, huyện tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả THĐT. Trong đó, chú trọng thu hút các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch văn hóa cộng đồng và du lịch tâm linh tại 2 xã vùng lòng hồ (Bình Thanh, Thung Nai); các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với du lịch cộng đồng, dù lượn ở các khu vực núi cao có cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, hồ nước đẹp như ở 2 xã Thạch Yên, Hợp Phong; các dự án du lịch miệt vườn, trang trại gắn với nông nghiệp công nghệ cao ở thị trấn và các xã gần trung tâm huyện... Trong chiến lược đẩy mạnh THĐT, UBND huyện xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quyết tâm xây dựng huyện trở thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, xứng đáng là điểm liên kết các vùng du lịch, tuyến du lịch của tỉnh và khu vực Tây Bắc.
Theo đánh giá của UBND huyện: 5 năm qua, huyện đã triển khai khá tích cực, đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả THĐT. UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư như ưu đãi về đất đai; giãn, hoãn hoặc giảm thuế nhằm hỗ trợ nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng... Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, huyện duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVNISO 9001:2015. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, hiệu quả công vụ được củng cố, giúp giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh, đầu tư, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước...
Điều đáng ghi nhận trong nỗ lực tăng cường THĐT là huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của T.Ư, của tỉnh và đề ra nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tế, phát huy được tiềm năng, lợi thế để thu hút nguồn lực. Đến nay, các giải pháp đã bước đầu phát huy hiệu quả. Huyện thu hút thành công một số dự án đầu tư, như các dự án: nhà máy thủy điện Suối Tráng tại xã Bắc Phong; khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc sông Đà tại xã Thung Nai; nhà máy Đồng An Phú tại xã Thạch Yên; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh; nhà máy chế biến hoa quả Cao Phong tại thị trấn Cao Phong... với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng trên 600 tỷ đồng.
Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Trong quyết tâm đẩy mạnh THĐT, thời gian tới, huyện phấn đấu huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện tốt để thực hiện các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện tích cực thực hiện các giải pháp, chú trọng tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận của nhân dân để đồng hành cùng hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, phấn đấu xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Thu Trang