(HBĐT) - Từ 15h ngày 21/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95 tăng 500 đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này tăng lên mức 32.870 đồng/lít; xăng E5 RON 92 lên mức 31.300 đồng/lít. Giá dầu DO 0,05s-II tăng 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng/lít; dầu hỏa tăng 950 đồng, lên mức 28.780 đồng/lít. Xăng dầu tăng giá đang đẩy doanh nghiệp (DN) và người dân vào cảnh khốn khó, căn ke, giảm bớt chi tiêu trong bối cảnh các khoản thu khác không tăng.
Ông Ngô Ngọc Quý, Giám đốc Công ty Hiển Vinh cho biết: Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào, khi tăng tác động lên tất cả các ngành hàng, lĩnh vực, trực tiếp là các DN vận tải. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng mạnh, giảm nhỏ giọt, DN không thể bỏ tuyến, nhưng càng chạy càng lỗ. Dù dịch bệnh đã lắng xuống, song khách đi lại trên tuyến cố định nội tỉnh Hoà Bình - Mai Châu không tăng. Công ty hiện duy trì 60% công suất đối với tuyến nội tỉnh Hoà Bình - Mai Châu, khoảng 12 xe/ngày. Đối với tuyến ngoài tỉnh Hoà Bình - Mỹ Đình chạy 1 chuyến/ngày, tương đương 50% công suất. Tất cả các DN vận tải hàng hoá và hành khách cũng đều lâm vào tình trạng căng thẳng, song cố gắng tìm kiếm thêm đơn hàng, giữ chân người lao động, giữ luồng tuyến… Đối với công ty xe khách Bình An, hoạt động vận chuyển khách vẫn chưa trở lại bình thường, đang phải tiết giảm tốt đa chi phí để giữ chân người lao động cũng như luồng tuyến.
Chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải; giá xăng dầu liên tục tăng kỷ lục đã gây áp lực lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của các DN. Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải khách phục vụ du lịch, hoạt động kinh doanh taxi, grap, hoạt động xây dựng, vận chuyển các mặt hàng lương thực, thực phẩm sinh hoạt hàng ngày… Các DN đều mong muốn Nhà nước có chính sách bình ổn, điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống để có thể duy trì hoạt động, nếu không càng làm càng lỗ.
Ông Nguyễn Văn Tư, tổ 16, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là viên chức Nhà nước dành dụm mua được chiếc xe Santafe cũ hơn 1 tỷ đồng mới được vài tháng thì giá xăng liên tục tăng, không thể duy trì đành phải bán xe. Ông than thở, trước đổ xăng hơn 1 triệu đồng thì nay phải đổ 1,3 triệu đồng, cứ vài ngày lại phải bổ sung, thu nhập chỉ đủ nuôi xe. Ông cho biết, nhiều viên chức "tầm trung” cũng đã phải căn ke, tính toán mỗi khi đi lại. Đối với những người mua xe trả góp thì giá xăng tăng tới 30% như hiện nay là rất khó khăn, nhiều người đã phải bán xe, trở lại đi xe máy hoặc xe đạp. Bởi ngoài phương tiện còn nhiều thứ cần thiết phải tiêu dùng, sinh hoạt cũng tăng theo giá xăng dầu. Những người lái xe ôm, taxi cũng chật vật tìm khách. Ông Bùi Văn Hiền làm nghề lái xe ôm, thường xuyên túc trực ở bến xe trung tâm TP Hoà Bình cho biết, đứng cả ngày trời may ra được dăm ba khách và toàn đi đường ngắn, khách bây giờ hỏi giá rất kỹ mới quyết định lên xe, cả ngày chỉ kiếm được trên dưới trăm nghìn đồng. Đối với người lao động đang "méo mặt” vì giá xăng dầu tăng cao, các mặt hàng tăng theo, họ phải tằn tiện chi tiêu, hy vọng vượt qua thời điểm khốn khó.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ với đời sống, sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ cho sản xuất, vận chuyển, phân phối, bán lẻ... Khi giá tăng, tất cả các loại ngành hàng cũng tăng theo gây áp lực cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Chị Bùi Thị Hồng Ly, xóm Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) cho biết: Giá các mặt hàng trên địa bàn tăng theo giá xăng dầu, hiện quạt điện tăng 50.000 - 60.000 đồng/chiếc; hàng tiêu dùng tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/sản phẩm; ga cao kỷ lục 420.000 đồng/ bình 12kg, so với năm ngoái tăng 100.000 đồng. Trước đây, đi taxi ra TP Hoà Bình chỉ từ 200 - 250.000 đồng/chuyến, giờ là 300 - 350.000.
Giá xăng dầu tăng phi mã đang đẩy các DN vận tải và người dân lâm vào cảnh khốn khó, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, mong rằng Nhà nước có chính sách điều chỉnh giảm bớt thuế, phí để hạ nhiệt, giữ ổn định giá xăng dầu.
Lê Chung