Sáu tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, trong đó sản phẩm may mặc tăng 12,05%. Ảnh chụp tại Nhà máy may Tân Lạc thuộc Tập đoàn Hồ Gươm.
Hai lĩnh vực có tác động lớn đến tăng trưởng của ngành đều không đạt kế hoạch, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, kế hoạch tăng trưởng đặt ra 18,25%, tương ứng với giá trị tăng thêm 4.710 tỷ đồng, trong khi thực hiện năm 2021 là 4.280 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 7,47%, thấp hơn 10,78 điểm % so với kế hoạch. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, kế hoạch tăng trưởng đặt ra 9,66% với giá trị tăng thêm 5.995 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện sản xuất 9,5 tỷ kwh, nhưng thực hiện năm 2021 giá trị tăng thêm của ngành chỉ đạt 4.939 tỷ đồng, tăng trưởng giảm 9,65%, thấp hơn 19,31 điểm % so với kế hoạch.
Từ thực tế trên, để nhanh chóng phục hồi và phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, những tháng đầu năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố khẩn trương, linh hoạt triển khai các giải pháp cũng như cơ chế, chính sách về tiếp cận nguồn vốn; giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ công nhân lao động; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo quy định... nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất để giúp ngành công nghiệp sớm khôi phục sau đại dịch. UBND tỉnh cũng tổ chức đoàn công tác làm việc với một số huyện về tình hình phát triển CN - TTCN, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (K, CCN) và một số lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chú trọng triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp gia công; tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN); thúc đẩy sự phát triển của cơ sở CN-TTCN trên địa bàn.
Về lĩnh vực khuyến công, hàng năm, Sở Công Thương tăng cường chỉ đạo Trung tâm KC&TVPTCN chủ động khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) để xây dựng đề án khuyến công phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trong 6 tháng đầu năm nay, đối với đề án khuyến công quốc gia, Trung tâm KC&TVPTCN đã triển khai Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp” đối với Công ty cổ phần SLIFE, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ JAENEUNG, Công ty TNHH MTV Dũng Thắng HB. Về đề án khuyến công địa phương, Trung tâm đã lập và trình thẩm định một số đề án, trong đó có nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông, lâm sản và chế biến thực phẩm”; Đề án "Hỗ trợ cơ sở CNNT trong thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm"...
Công ty CP may xuất khẩu An Phúc (Yên Thủy) đã được thụ hưởng Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dệt may" trong năm 2020. Quản đốc Bùi Thị Nguyệt từng chia sẻ: Với sự hỗ trợ của tỉnh đã giúp công ty có được dây chuyền máy móc hiện đại, công suất lớn, đáp ứng tiến độ sản xuất. Nhờ có máy móc tốt đã giúp công ty đứng vững trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho công nhân, đặc biệt là vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Được biết, trong 2 năm (2020 - 2021), Trung tâm KC&TVPTCN đã triển khai các Đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5.212 triệu đồng. Qua các đề án đã góp phần giúp cơ sở CNNT chủ động được nguồn lao động có chất lượng, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm hao tổn nguyên liệu. Từ đó đã nâng cao lợi nhuận và thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp tích cực vào nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Với việc thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN sản xuất công nghiệp; kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất CN-TTCN và trên hết là sự năng động, nỗ lực vượt khó của các DN, HTX, cơ sở sản xuất đã giúp ngành công nghiệp của tỉnh dần phục hồi và phát triển. Theo công bố của Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,26%; sản xuất và phân phối điện tăng 7%; ngành công nghiệp cung cấp nước sạch và xử lý rác thải tăng 0,57%. Tuy nhiên, do các chi phí nguyên nhiên vật liệu thiết yếu như xăng, dầu, vật liệu nổ... tăng, do vậy, chỉ số của ngành công nghiệp khai khoáng đã giảm 18,39% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt mục tiêu năm 2022 đề ra là tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tăng 13,3%, những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các K, CCN, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt đối với KCN Nhuận Trạch và các CCN: Xóm Rụt, xã Tân Vinh (Lương Sơn), Đồng Tâm (Lạc Thủy), Phong Phú (Tân Lạc)... Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động SX-KD của các DN nói chung và trong các K, CCN nói riêng, nhất là DN chủ lực trong lĩnh may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng... Khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất...