(HBĐT) - Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) qua việc tập trung khai thác nguồn thu từ đất; không ban hành các chính sách mới làm giảm thu hoặc tăng chi NSNN... Đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU, ngày 19/7/2017 thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về "chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững". Sau 5 năm thực hiện chương trình hành động, KT-XH của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2021, thu NSNN trên địa bàn lần đầu vượt mốc 5 nghìn tỷ đồng; thu và chi ngân sách địa phương lần đầu vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng.


Từ tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã có nguồn lực đầu tư làm đường Chi Lăng kéo dài nối quốc lộ 6 
(TP Hòa Bình) cùng hàng chục công trình, dự án quan trọng khác.


Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu thu NSNN đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và mục tiêu của Chương trình hành động số 13-CTr/TU, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 219/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 về quy định việc thưởng vượt dự toán thu điều tiết đối với khoản thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ tài sản. Theo đó, quy định thưởng 80% khoản vượt thu nhằm động viên, khuyến khích các huyện, thành phố phấn đấu cùng với cấp tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra… thực hiện thu NSNN ở mức cao nhất, đáp ứng nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện các chế độ, chính sách...

Tại nhiều cuộc họp về công tác thu, chi NSNN, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chi ngân sách đã được quản lý theo hướng chặt chẽ, tiết giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Hàng năm, ngay từ khâu xây dựng dự toán, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc xây dựng dự toán phải phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, hiệu quả; tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên một cách hợp lý, trên cơ sở vẫn đáp ứng được hoạt động của bộ máy hành chính từ tỉnh đến cơ sở, đủ nguồn lực để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng thực hiện.

Về công tác thu NSNN, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát từng khoản thu, sắc thuế, với tinh thần dự toán thu NSNN phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi, theo đúng quy định của các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan; bám sát tình hình KT-XH, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí. Đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỷ lệ nợ đọng và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Từ đó, số thu năm sau đều cao hơn năm trước; số thu địa phương giao dự toán cao hơn so với số Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2017 - 2022 là 1,25 lần.

Song song với đó, công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế được ngành thuế quan tâm, đẩy mạnh hoạt động, được xem là nhiệm vụ quan trọng, tác động không nhỏ đến kết quả thu NSNN và hình ảnh của cơ quan, công chức thuế đối với người dân, doanh nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền, cùng sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, thu NSNN trên địa bàn tỉnh đã có tốc độ tăng trưởng khá, mức tăng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 9%/năm (giai đoạn này thu NSNN cả nước tăng bình quân 5%/năm), giai đoạn 2017 - 2022 đạt 15%/năm (cả nước tăng bình quân 1,8%/năm). Trong đó, năm 2021, mặc dù khó khăn bao trùm, song thu NSNN đã đạt 5.614,8 tỷ đồng, bằng 129% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 111% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 36% so với năm 2020. 

6 tháng đầu năm 2022, thu NSNN ước đạt 3.256.782 triệu đồng, trong đó, thu nội địa 3.036.602 triệu đồng, bằng 85% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 51% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất nhập khẩu ước đạt 220.180 triệu đồng, bằng 70% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh. Đánh giá về kết quả này, đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Sở Tài chính chủ động phối hợp các sở, ngành đôn đốc nhiệm vụ thu NSNN nên đã đạt kết quả khá, có nhiều khoản thu, sắc thuế đạt tốt. Tuy nhiên, thu tiền sử dụng đất còn thấp. Do vậy, đề xuất với các sở, ngành tăng cường phối hợp, sớm và sát giải quyết các thủ tục đấu giá, định giá đất. Đối với cấp huyện cũng cần hết sức chủ động, giao cơ quan chuyên môn những nội dung còn vướng để tập trung tháo gỡ, có như vậy mới đảm bảo kế hoạch thu tiền sử dụng đất được giao.

Thực tế cho thấy, nhờ chủ động trong tổ chức, điều hành thu NSNN và triển khai quyết liệt các giải pháp thu nên nguồn lực đã được đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán, nhất là thực hiện các chính sách an sinh xã hội, QP-AN và các nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là tập trung đầu tư cho phát triển. Năm 2017, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 12%, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm tới 86% thì đến năm 2020, con số này được cơ cấu lần lượt là 25% và 74%; năm 2022 là 32% và 66%. Như vậy, chi đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2022 của tỉnh đã có mức tăng trưởng ấn tượng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2022 so với năm 2017 tăng 77%, nhưng chi đầu tư tăng tới 364%; chi thường xuyên chỉ tăng 34%.

Tiết kiệm chi thường xuyên chính là nguồn lực quan trọng để tăng chi đầu tư phát triển. Từ nguồn vốn này đã có hàng chục công trình, dự án quan trọng được đầu tư như: Cầu Hoà Bình 2; đường Chi Lăng kéo dài nối quốc lộ 6; chống ngập, úng từ Công viên Tuổi trẻ đến kênh tiêu 20; đường tránh di tích Nhà máy in tiền tại huyện Lạc Thuỷ; đường Quang Tiến - Thịnh Minh (TP Hòa Bình); hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phú Thành II (Lạc Thủy); cải tạo, nâng cấp đường vào cụm công nghiệp xóm Rụt, xã Tân Vinh (Lương Sơn); thực hiện Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh… Qua đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.


 Hoàng Nga

Các tin khác


Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

(HBĐT) - Ngày 7/7, Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11 (khóa X), nhiệm kỳ 2018 - 2023, sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. 

Hội nghị giao lưu học tập điển hình tiên tiến tỉnh lần thứ nhất, năm 2022

(HBĐT) - Ngày 7/7, tại TP Hoà Bình, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) tỉnh phối hợp UBND TP Hoà Bình tổ chức hội nghị giao lưu học tập điển hình tiên tiến tỉnh lần thứ nhất, năm 2022. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND TP Hoà Bình và 41 cá nhân điển hình tiên tiến đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. 

Chỉ số CPI tăng cao, hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng

(HBĐT) - Sáu tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 dần được khống chế, mọi hoạt động của người dân trở lại bình thường, giao thông được thông thương, hoạt động sản xuất tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, tình trạng nhiên liệu xăng, dầu, vật tư đầu vào tăng cao khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Nuôi dê ít rủi ro, hiệu quả kinh tế khá

(HBĐT) - Trong khi người chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do đầu ra bấp bênh, thiếu ổn định, giá bán ở nhiều thời điểm giảm sâu thì dê vẫn giữ giá, đầu ra thuận lợi. Nuôi dê đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị G20 thảo luận vấn đề khủng hoảng lương thực và giá hàng hóa tăng cao

Giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động lớn đến các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 sẽ thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế-xã hội bền vững.

Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

(HBĐT)-Chỉ thị số 03, ngày 18/1/2022 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 đề ra nhiệm vụ: Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công (VĐTC) ngay từ đầu năm. UBND tỉnh yêu cầu, đến ngày 30/6/2022, giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn (KHV) giao, đến ngày 30/9 đạt trên 70% và đến ngày 31/1/2023 đạt 100% KHV giao. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, kết quả giải ngân VĐTC của tỉnh đạt thấp so với yêu cầu.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục