Đồng chí Lường Văn Thi (thứ 4 từ phải sang), Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc kiểm tra tính khả thi, hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu tại xã Yên Hòa.
Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Sau giai đoạn dồn sức, nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ chuyển dân lòng hồ, Đà Bắc bước vào giai đoạn tái thiết với muôn vàn khó khăn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong toàn huyện đã quyết tâm lãnh đạo đưa địa phương phát triển ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng xã, từng địa phương, nhất là vùng chuyển dân lòng hồ. Nhờ đó, bộ mặt KT-XH của huyện từng bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7,14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực vượt khó vươn lên, những năm qua, Đà Bắc đã tranh thủ, phát huy triệt để các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho các xã vùng lòng hồ. Tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững cho người dân như trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng phát triển hàng hoá; tổ chức khai hoang phục hoá đất sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, chuyên môn để phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển KT-XH, ổn định và nâng cao đời sống người dân vùng lòng hồ như các đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề nuôi cá lồng, phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ, tạo sinh kế cho người dân... Các chính sách này đã đem lại hiệu quả tích cực. Nhờ đó, hàng trăm hộ dân thuộc vùng lòng hồ sông Đà của huyện mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng với các loại cá có giá trị thương phẩm cao như: Chiên, lăng, trắm đen, tầm... sản lượng đạt trên 1.300 tấn/năm, mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Huyện đã có hàng chục nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu và nắm bắt cơ hội, trong đó, có 20 dự án đầu tư ngoài ngân sách được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trong các lĩnh vực trồng rừng, sản xuất, kinh doanh, du lịch...
Quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã mang lại nhiều đổi thay về KT-XH cho các xã vùng lòng hồ. Đời sống người dân từng bước được cải thiện. Theo đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện, không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà các chương trình, dự án, đề án về ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà mang lại cho đồng bào chuyển cư vùng lòng hồ trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Đà Bắc nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ổn định cuộc sống và sản xuất bền vững, lâu dài cho người dân vùng hồ còn nhiều khó khăn, do phần lớn hộ dân tái định cư là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ tập quán canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất của người dân chưa đảm bảo ổn định, bền vững, do đó tỷ lệ hộ nghèo ở các xã chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà của huyện vẫn còn cao. Nhiều địa bàn vùng chuyển dân còn một số chòm xóm, hộ dân chưa thể ổn định lâu dài do thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông, đất canh tác... Xuất phát từ thực tế đó, bên cạnh việc thực hiện các chính sách, chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện mong Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh có thêm những chính sách đặc thù cho vùng đồng bào chuyển cư lòng hồ sông Đà. Nhất là trong việc hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, đồng bộ phục vụ cho sự phát triển của địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Đây cũng chính là yếu tố then chốt để tạo sức bật cho vùng chuyển cư lòng hồ sông Đà.
Vũ Phong