Theo dự báo, ngành dệt may Việt Nam thời gian tới tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro, thách thức trước nguy cơ tái bùng phát các biến chủng Covid-19 mới cùng diễn biến phức tạp tại một số khu vực trên thế giới, khiến nguồn cung bị đứt gãy, giá nguyên phụ liệu tăng cao... Để ổn định sản xuất và phát triển bền vững, doanh nghiệp dệt may cần triển khai linh hoạt các giải pháp để thích ứng với bối cảnh và diễn biến của thị trường.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Hanosimex.
Trong sáu tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, với mục tiêu kế hoạch năm đạt 43,5 tỷ USD, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, đòi hỏi doanh nghiệp dệt may tiếp tục nỗ lực hơn nữa ngay từ thời điểm này.
Chủ động vượt khó
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, thời gian qua, đơn vị phải đối diện với rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng những bất ổn về địa chính trị tại một số nước trên thế giới, đặc biệt là cầu tiêu dùng giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ chủ động áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp, doanh thu của công ty sáu tháng qua đạt gần 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45,28%; doanh thu xuất khẩu đạt hơn 1,93 nghìn tỷ đồng, tăng 51,95%; thu nhập bình quân đạt 9,04 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, May 10 sẽ gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của công ty, dự kiến tăng trưởng chậm, dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Do đó, nhằm cân bằng trong sản xuất, kinh doanh, May 10 sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị công nghệ, hoàn thiện dự án mở rộng xí nghiệp Bỉm Sơn theo tiêu chuẩn nhà máy xanh, nâng cao công tác quản trị, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cũng như bám sát diễn biến thị trường để có những giải pháp kịp thời nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Tương tự, theo Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) Hồ Lê Hùng, với việc chủ động triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh, các nhà máy thuộc công ty đã hoạt động liên tục và hiệu quả. Qua đó, doanh thu sáu tháng của Hanosimex đạt hơn 967 tỷ đồng, tăng 123% so cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm; lợi nhuận hơn 68 tỷ đồng, tăng 302% so cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm.
Để đạt tổng doanh thu hơn 1.789 tỷ đồng theo kế hoạch năm, đơn vị sẽ tập trung cho công tác thị trường, tìm kiếm đơn hàng, tiếp tục phát triển khách hàng, thị trường mới, tận dụng khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực. Đồng thời, củng cố công tác quản trị, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đầu tư các thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, cân đối nguồn ngoại tệ và lãi suất, linh hoạt sử dụng vốn vay,... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo lãnh đạo của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, doanh thu của đơn vị trong sáu tháng qua đạt 2.587 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 142 triệu USD, tăng 57% so cùng kỳ, đạt 62% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng, tăng 193% so cùng kỳ, đạt 69% kế hoạch năm. Với mục tiêu đặt ra trong sáu tháng cuối năm, ngành may và thời trang đạt doanh thu 1.684 tỷ đồng, ngành sợi đạt 594 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 95 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 116 triệu USD, đơn vị sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp công tác cụ thể trong quản trị, thị trường, sản xuất, đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, quản trị nguồn nhân lực, tài chính, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro,...
Trong bối cảnh hiện nay, Hòa Thọ xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm còn chịu nhiều ảnh hưởng, thị trường tiêu thụ hàng dệt may sẽ khó khăn và sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao. Vì vậy, tập thể lao động dệt may Hòa Thọ luôn đồng lòng, chia sẻ để sớm vượt qua khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đa dạng hóa thị trường
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, doanh thu của đơn vị trong sáu tháng đầu năm đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ, đạt 57,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 980 tỷ đồng, tăng 55,6% so cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm. Để đạt được thành tích nêu trên, Tập đoàn và các đơn vị thành viên thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, nâng cao quản trị sản xuất, đồng thời tận dụng được giá bông tốt do đã mua sớm trong năm 2021.
Tuy nhiên, ngay từ tháng 3/2022, thị trường đã có nhiều dấu hiệu bất lợi, dự báo trong sáu tháng cuối năm, ngành Dệt may Việt Nam cũng như Vinatex còn đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, giá bông không ngừng tăng nhưng giá sợi không tăng tương ứng khiến biên độ lợi nhuận của các đơn vị sản xuất sợi giảm rõ rệt. Hiện, giá bông có xu hướng giảm khiến giá sợi xuống thấp, trong khi bông sản xuất đã được các đơn vị mua trong giai đoạn giá bông cao để kịp sản xuất, dẫn đến khả năng lỗ của ngành sợi rất cao. Mặt khác, tình hình thị trường cũng khá ảm đạm, lượng tồn kho lớn.
Đối với ngành may, tình hình đơn hàng có dấu hiệu chững lại, đa số các đơn vị mới ký hợp đồng đến hết tháng 10 do cầu thế giới giảm sau đại dịch Covid-19, phần khác do hiện tượng "quá mua” đối với sản phẩm dệt kim trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022 gây nên tình trạng dư thừa tại các thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu cùng với giá tăng cao, chi phí sản xuất tăng, đặc biệt là chi phí logistics và nhân công… cũng gây thêm nhiều khó khăn cho ngành may.
Do đó, để chủ động sản xuất, sẵn sàng "bứt tốc” và hoàn thành mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng; hình thành các ban sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề để cùng hỗ trợ và phối hợp, bảo đảm huy động tối đa mọi nguồn lực trong khối; xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản trị tiên tiến, đẩy nhanh tiến độ công tác chuyển đổi số, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất; đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường, linh hoạt chuyển đổi mặt hàng phù hợp, tìm kiếm để chủ động nguồn nguyên phụ liệu, tiết giảm chi phí sản xuất.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Mặc dù tình hình sản xuất những tháng đầu năm đạt kết quả khả quan nhưng ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Một số thị trường xuất khẩu lớn đang có nguy cơ sụt giảm; các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lạm phát tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao,... làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%. Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các FTA cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Vì vậy, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực phù hợp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách cắt giảm các loại thuế phí, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như hoàn thiện các khu công nghiệp tập trung để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Theo Báo Nhân Dân
Hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế và kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 4,75 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt tới 8,9 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2022 cũng thu về khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2021.
(HBĐT) - Cục Thuế tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
(HBĐT) - Những năm qua, kinh tế huyện Lạc Thủy có bước phát triển, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng nhanh. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và linh hoạt huy động mọi nguồn lực để thực hiện đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, chương trình nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư nâng cấp.
(HBĐT) - Khu dân cư (KDC) Đồi, thị trấn Ba Hàng Đồi đổi thay từng ngày. Bức tranh nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu khang trang và tươi sáng. Những con đường thênh thang, thoáng đãng, hai bên được trồng hoa, cây xanh đẹp đến nao lòng. Làng quê thanh bình, gia đình ấm no, sung túc, lòng dân phấn khởi tất cả toát lên sức sống mới.
(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy có vị trí địa lý thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, địa điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nổi tiếng, là tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Huyện có kết nối giao thông thuận lợi cho sự phát triển KT-XH với các tuyến giao thông đối ngoại quan trọng như Quốc lộ 21 đi qua trung tâm huyện lỵ; đường Hồ Chí Minh qua khu vực phía Bắc huyện; đường 438A kết nối thị trấn Chi Nê tới trung tâm huyện Nho Quan (Ninh Bình) và có sông Bôi là tuyến giao thông thủy quan trọng qua địa bàn.
(HBĐT) - Kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân; đồng thời khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản.