Diện tích trồng nhãn của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy,xã Xuân Thủy (Kim Bôi) được cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ông Bùi Văn Lực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: "Từ năm 2016, nhãn Sơn Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. 34 ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP của hơn 40 hộ thành viên HTX được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tiếp đó, diện tích này đã được cấp mã số vùng trồng (MSVT), nhờ vậy, sản phẩm càng khẳng định uy tín trên thị trường, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn do chất lượng được kiểm soát chặt chẽ và truy xuất nguồn gốc. Tuy vậy, bà con vẫn luôn xác định thị trường ngày càng khó tính, yêu cầu khắt khe nên việc tiếp tục chú trọng tới mẫu mã, chất lượng sản phẩm là tất yếu. Hiện tại, HTX được Chi cục TT&BVTV giới thiệu một doanh nghiệp ở Hải Dương về hướng dẫn quy trình sản xuất với yêu cầu chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn để hướng tới phục vụ xuất khẩu sang châu Âu". Dự kiến mùa vụ 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy sẽ thu hoạch khoảng 400 tấn nhãn. Các hộ thành viên đồng tình, nỗ lực để đặc sản của quê hương sớm vươn ra thế giới.
MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Với quan điểm hỗ trợ, thúc đẩy để MSVT, mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) trở thành động lực mới trong chuỗi sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế của tỉnh đảm bảo các điều kiện để phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, những năm gần đây, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác cấp và quản lý, hỗ trợ MSVT, MSCSĐG cho sản phẩm trồng trọt. Mục tiêu hướng tới là định danh sản phẩm theo vùng trồng và nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trồng trọt thông qua hoạt động xác lập, quản lý và khai thác MSVT, MSCSĐG.
Trên toàn tỉnh hiện đã cấp được 14 MSVT với diện tích 168,73 ha canh tác và 10 MSCSĐG. Từ đầu năm đến nay, Chi cục TT&BVTV tăng cường giám sát các MSVT, MSCSĐG theo các quy định tại tiêu chuẩn cơ sở của Cục BVTV. Kết quả cho thấy, tổng số vùng trồng được cấp mã số đạt yêu cầu duy trì là 14/14 mã số. Trong đó, MSVT quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có 7 mã số, gồm: 1 mã số vùng trồng nhãn, 4 mã số vùng trồng chuối, 2 mã số vùng trồng thanh long; MSVT quả tươi xuất khẩu sang thị trường Úc có 2 mã số trên cây nhãn; MSVT quả tươi xuất khẩu sang thị trường EU có 5 mã số trên cây bưởi. Đối với CSĐG quả tươi xuất khẩu được cấp mã số có 9 cơ sở đạt yêu cầu duy trì MSCSĐG; 1 cơ sở đề nghị hủy mã số đã được cấp do chuyển mục đích sử dụng.
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng đã kiểm tra, thẩm định hồ sơ cho 7 vùng trồng đề nghị cấp mã số, trong đó có 6 vùng trồng bưởi tại huyện Tân Lạc, 1 vùng trồng bưởi tại huyện Kim Bôi. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA với Công ty TNHH đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình), HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (Tân Lạc) xuất khẩu 62 tấn mía cấp đông sang thị trường EU. Đồng thời tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện Tân Lạc. Tổ chức 4 lớp tập huấn, tuyên truyền văn bản về công tác kiểm dịch thực vật nội địa; cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG tại các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu với 200 học viên tham gia.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, UBND tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo Sở NN&PTNT là đầu mối tiếp nhận, xử lý các nội dung liên quan và kiểm tra, giám sát thường xuyên các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số. Các HTX, cơ sở trồng trọt từng bước hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc cấp MSVT, MSCSĐG, bởi sẽ giúp chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận an toàn thực phẩm đến khâu thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm. Tuy vậy, theo đánh giá của Chi cục TT&BVTV, hiện còn có địa phương chưa quan tâm đến xuất khẩu nông sản trên địa bàn nên việc khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các HTX đăng ký MSVT, MSCSĐG còn hạn chế. Đến nay, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho việc hỗ trợ cấp và quản lý, giám sát lĩnh vực này. Trên cùng một diện tích cây trồng được cấp nhiều mã số cho các thị trường nhập khẩu khác nhau, dẫn đến việc quản lý các MSVT gặp nhiều khó khăn đối với cơ quan chuyên môn và chủ sở hữu các mã số được cấp...
Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, cơ quan chuyên môn kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành Quy chuẩn thiết lập và giám sát MSVT, MSCSĐG đối với các sản phẩm trồng trọt phục vụ tiêu thụ trong nước tích hợp với các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trên một vùng trồng và CSĐG phục vụ xuất khẩu chỉ nên cấp một MSVT duy nhất so với tiêu chuẩn của nước nhập khẩu có các yêu cầu cao nhất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, giám sát MSVT được cấp đạt hiệu quả cao. Đồng thời, Bộ sớm ban hành chính sách hỗ trợ về thiết lập và giám sát MSVT, MSCSĐG trong sản xuất, sơ chế, đóng gói các sản phẩm trồng trọt...
Thu Hiền