Theo đó, tốc độ phát triển kinh tế bình quân đạt trên 4%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,91 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm. Trong giai đoạn 2002 - 2021 đã có trên 116 nghìn lượt hộ thoát nghèo, trung bình giảm 5%/năm. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của tín dụng chính sách trên địa bàn do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện.
Năm 2003, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 33/QĐ-HĐQT, ngày 14/1/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH và 10 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tại 10 huyện được thành lập. Với mô hình tổ chức, quản lý đặc thù, hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo phương thức cho vay ủy thác được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và khẳng định đây là cách làm hay, sáng tạo với nhiều ưu điểm. Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển KT-XH của địa phương.
Khi mới thành lập, Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay 2 chương trình tín dụng, gồm: cho vay giải quyết việc làm (nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước) và cho vay hộ nghèo (nhận bàn giao từ Ngân hàng NN&PTNT) với tổng dư nợ 206.175 triệu đồng. Đến nay, chi nhánh đã thực hiện cho vay 22 chương trình tín dụng, doanh số cho vay 11.569.632 triệu đồng, với trên 644 nghìn lượt khách hàng, doanh số thu nợ trên 7.661.053 triệu đồng. Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, tăng gần 20 lần so với năm 2003; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 16,6%, với trên 121 nghìn khách hàng vay vốn.
Nhìn lại 20 năm qua, có thể khẳng định, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổ chức tốt việc tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH Việt Nam, từ ngân sách địa phương và huy động từ các tổ chức, cá nhân. Đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng nguồn vốn đến ngày 31/8/2022 đạt 4,08 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với năm 2003. Trong đó, nguồn vốn cân đối chuyển từ T.Ư đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 87,54% tổng nguồn vốn, tăng gần 3,4 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2003. Đây là nguồn vốn quan trọng nhất để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.
Nguồn vốn huy động tại địa phương được T.Ư cấp bù lãi suất đạt trên 416 tỷ đồng, chiếm 11,65% tổng nguồn vốn. Trong đó, tiền gửi huy động từ tổ chức, cá nhân 282 tỷ đồng; tiền gửi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn 134,2 tỷ đồng. Nguồn vốn này dù chiếm tỷ trọng nhỏ song có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn, góp phần chuyển biến nhận thức, suy nghĩ, ý thức dành dụm tiết kiệm và giúp người nghèo tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Đồng thời từng bước quen dần với hoạt động tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó, việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ngày càng đi vào thực chất. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt trên 93 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,29% tổng nguồn vốn, tăng hơn 87 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Nguồn vốn này dù chưa nhiều, song thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trải qua 20 năm hoạt động, tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo; chú trọng đầu tư vốn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gắn việc đầu tư nguồn vốn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua đó thể hiện vai trò của tín dụng chính sách trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được Quốc hội đánh giá là một điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Tín dụng chính sách xã hội đã được cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện, qua đó đã gắn kết Nhân dân với chính quyền địa phương, gắn kết các hội, đoàn thể với hội viên hơn. Nguồn vốn đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, AN-QP, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội.
Sau 20 năm hoạt động, đã có trên 644 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ NHCSXH. Nguồn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 116 nghìn lượt hộ thoát nghèo theo từng giai đoạn điều tra (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm), góp phần tạo việc làm mới cho trên 32 nghìn lao động; giúp hộ nghèo xây dựng 21 nghìn ngôi nhà, trên 182 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh cho hộ gia đình ở khu vực nông thôn.
Thông qua vốn chính sách, đã giúp gần 1,1 nghìn lao động là con hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn đi lao động ở nước ngoài, gần 40 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo nguồn nhân lực có tri thức cho xã hội; xây mới, sửa chữa và mua nhà ở xã hội 466 căn; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho trên 11 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong thời kỳ khó khăn nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được vay vốn để trả lương cho 549 người lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19; mua trên 1 nghìn máy tính phục vụ học tập trực tuyến và hỗ trợ 14 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay vốn để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. |