Nông dân xã Kim Lập (Kim Bôi) kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại.
Những ngày này, bà Bùi Thị Lương, xã Kim Lập (Kim Bôi) thường xuyên ra đồng để chăm sóc lúa mùa. Bà Lương cho biết: Vụ này, gia đình gieo cấy 1.000 m2 lúa. Qua kiểm tra đồng ruộng phát hiện một phần diện tích lúa xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, để xử lý kịp thời và hiệu quả, tôi đã thông báo với cán bộ chuyên môn của xã để được hướng dẫn. Sau khi được xử lý, phun thuốc BVTV trừ hại, cơ bản diện tích lúa tiếp tục phát triển ổn định, chưa phát sinh thêm khu vực nhiễm bệnh.
Đồng chí Bùi Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian tới, dự báo sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại, tăng về mật độ và diện tích phân bố trên trà lúa trỗ bông - phơi màu, mật độ phổ biến 5 - 8 con/m2, cao 15 - 20 con/ m2. Những diện tích nhiễm bị xơ trắng bộ lá, nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Do vậy, trung tâm đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên môn tăng cường tuyên truyền tới người dân về diễn biến thời tiết, khí hậu để chủ động phòng tránh dịch bệnh; thông báo kịp thời tới cán bộ chuyên môn để có giải pháp xử lý nhanh diện tích bị sâu gây hại, nhằm bảo vệ năng suất của lúa.
Để bảo vệ sản xuất, Chi cục TT&BVTV ban hành Văn bản số 275/TTBVTV-NVCM ngày 15/8 về việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa vụ mùa năm 2022, đề nghị các địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung. Trong đó, tập trung chỉ đạo phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trên diện tích lúa trà muộn tại những ruộng có mật độ sâu non trên 50 con/m2. Phân cấp tuổi sâu, xác định chính xác thời điểm trưởng thành rộ cho từng trà lúa, xác định mật độ trứng, tỷ lệ đã nở, tỷ lệ ký sinh để dự báo xu hướng mật độ sâu non thời gian tới, giúp cơ sở phòng trừ hiệu quả. Đồng thời phân loại từng trà lúa, từng cánh đồng, xác định diện tích lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cần phải phòng trừ. Trên diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái xử lý những ruộng có mật độ sâu non trên 50 con/m2. Trên diện tích lúa đã ôm đòng - trỗ bông, tiến hành xử lý khi mật độ sâu non trên 20 con/m2.
Thời điểm phòng trừ đối tượng này tốt nhất là khi sâu tuổi 1 - 3. Có thể sử dụng các loại thuốc để xử lý như: Goldmectin 36EC, Mectinstar 20EC, Emalusa 50,5WSG; Tango 800WG; Catex 1.8EC... Phun theo nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Nếu phun xong mật độ sâu vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3 - 5 ngày. Ruộng phun xong gặp mưa (trong vòng 12h) thì phải phun lại.
Ngoài sâu cuốn lá nhỏ, các đối tượng như bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; sâu đục thân bướm 2 chấm, rầy lưng trắng... cũng sẽ phát sinh gây hại cục bộ từng vùng. Các địa phương cần chú ý điều tra để phát hiện kịp thời và tổ chức phòng trừ sớm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Thu Hằng