(HBĐT) - Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo nhận định của người dân và doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.


Cán bộ và người dân xã Mông Hoá (TP Hoà Bình) trao đổi thông tin pháp luật về thủ tục hành chính về đất đai.

Vẫn còn phiền hà

Tháng 4/2022, gia đình anh T. và chị V., xã Thanh Cao (Lương Sơn) làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Sau nhiều lần đi lại hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cán bộ hướng dẫn, hồ sơ của gia đình anh T, chị V. được Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Lương Sơn tiếp nhận, hẹn thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ vào 15h ngày 18/5/2022. Đúng thời gian theo lịch hẹn, anh T. đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Lương Sơn nhưng được biết hồ sơ vẫn chưa được xử lý. Đến nay đã quá hạn hơn 3 tháng, gia đình anh vẫn chưa được giải quyết. Anh T. cho biết: Cán bộ tiếp nhận cũng không giải thích cho gia đình là tại sao hồ sơ chưa được giải quyết, tôi gọi điện nhiều lần cho cán bộ cũng không nghe máy. Từ xã Thanh Cao lên trung tâm huyện cách mấy chục cây số. Chúng tôi nhiều lần phải đi lại để hỏi kết quả nhưng cũng không được hướng dẫn một cách cụ thể. Đến thời điểm này tôi cũng không biết hồ sơ của gia đình đang ở đâu?

Không được hướng dẫn thủ tục một cách cụ thể, loanh quanh đi lại nhiều lần cũng là tình trạng nhiều người dân phản ánh về thủ tục đất đai trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Ban Dân tộc, HĐND tỉnh cho biết: Trong quá trình tiếp xúc với cử tri, nhiều người dân phản ánh tình trạng cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai chưa hướng dẫn cho người dân một cách chi tiết, cụ thể, khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Thậm chí hướng dẫn không đúng dẫn đến hồ sơ thủ tục về đất đai bị sai, phải làm lại.

Tuy nhiên, có một nghịch lý theo nhiều người phản ánh: Khi người dân trực tiếp đi làm thì hồ sơ thủ tục giải quyết rất lâu và khó khăn, nhưng khi nhờ "cò" thì thủ tục được xử lý một cách nhanh chóng.

Cơ sở dữ liệu đất đai chưa đồng bộ

Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT, hiện mới có 2 đơn vị là huyện Tân Lạc và Yên Thuỷ được xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa phù hợp với đơn vị hành chính thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin đất đai theo Quyết định số 2571/QĐ-BTNMT, ngày 20/10/2017 của Bộ TN&MT và Quyết định số 2471 của UBND tỉnh quy định về TTHC khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Do chỉ có một địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trên toàn tỉnh nên gây tốn kém về thời gian, chi phí đi lại của người dân.

Cùng với những khó khăn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tiếp cận thông tin về đất đai, hiện tại một số huyện bản đồ địa chính đo đạc đã lâu, mức độ biến động rất lớn. Do đó, khi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng chuyển hồ sơ thu hồi và giấy chứng nhận quyền sử sụng đất đến văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện chỉnh lý di biến động, nhiều trường hợp tổng diện tích trích đo hiện trạng thửa đất không đồng nhất với giấy chứng nhận đã cấp. Mặt khác, nhiều dự án thu hồi giải phóng mặt bằng đã thực hiện trước đây nhưng các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng không thực hiện chuyển hồ sơ và giấy chứng nhận đến văn phòng đăng ký đất đai để chỉnh lý giấy chứng nhận, nay người sử dụng đất đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận kèm theo hồ sơ thu hồi phần thửa đất thì hồ sơ không đồng nhất.

Trong bối cảnh TTHC về đất đai còn nhiều bất cập, phần mềm một cửa điện tử chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, từ ngày 20/9/2021, phần mềm một cửa (phiên bản mới) được đưa vào sử dụng cơ bản đáp ứng công tác kiểm soát và giải quyết TTHC. Tuy nhiên, trong quá trình phần mềm một cửa điện tử chưa liên thông tới các đơn vị liên quan khi cần xin ý kiến, chưa liên thông được với cơ quan thuế trong thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó, khi thực hiện TTHC cần xin ý kiến các cơ quan có liên quan hoặc chuyển cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính thì trạng thái hồ sơ bắt buộc chuyển về trạng thái tạm dừng chờ bổ sung, sau khi có ý kiến trả lời thì hồ sơ mới tiếp tục được thực hiện. "Thời gian chờ ý kiến trả lời có thể kéo dài hoặc người dân chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính dẫn đến thời gian thực hiện TTHC bị kéo dài hơn so với quy định. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện giải quyết hồ sơ, tốc độ xử lý phần mềm còn chậm, đôi lúc còn phát sinh lỗi do trùng mã hồ sơ, không trừ số ngày nghỉ lễ vào thời gian thực hiện TTHC, quy trình thực hiện phần mềm còn có nhiều bước phức tạp... dẫn đến nhiều hồ sơ bị quá hạn" - đồng chí Nguyễn Trần Anh cho biết thêm.

Làm gì để giảm phiền hà, tăng mức độ hài lòng ?

TTHC về đất đai ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh: Trong chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, có 44% doanh nghiệp cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng chậm (xếp thứ 63); 41% doanh nghiệp cho biết địa phương có tình trạng thiếu quỹ đất sạch (xếp thứ 61); những phiền hà của thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 81% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh; 65% doanh nghiệp đánh giá thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn quy định; thời gian chờ đợi để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu nhất nước; 39% doanh nghiệp cho biết cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC về đất đai hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết…; trách nhiệm thuộc Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố.

Nhằm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đất đai, Sở TN&MT xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, chỉnh lý tài liệu, hồ sơ địa chính. Tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc khi thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC. Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đối với cơ quan. Thường xuyên trao đổi để cùng thống nhất, tháo gỡ và giải quyết những tồn tại. Điều chỉnh, tăng tốc độ xử lý, khắc phục các lỗi còn tồn tại và thêm một số bước trong phần mềm một cửa điện tử, bổ sung các đơn vị có liên quan trong giải quyết TTHC vào phần mềm để kịp thời theo dõi, đôn đốc, nắm bắt quá trình giải quyết hồ sơ, đảm bảo hồ sơ được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.

Đặc biệt, Sở TN&MT chú trọng giải pháp then chốt, mang tính đột phá là công tác cán bộ. Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT, thời gian qua, Sở đã thực hiện việc luân chuyển, đảo một loạt cán bộ tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, thành phố. Việc luân chuyển, đảo địa bàn tiếp tục được Sở duy trì trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công vụ của viên chức và người lao động. Yêu cầu cán bộ, nhân viên tự trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, đảm bảo khả năng thực hiện TTHC đúng quy định và thời gian. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc, đảm bảo không có tình trạng yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ nhiều lần, đến ngày trả kết quả mới thông báo bổ sung hồ sơ hoặc thông báo bổ sung hồ sơ không rõ ràng. Đối với hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết phải có thông báo cụ thể và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiến tới triển khai thực hiện dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC về đất đai theo nhu cầu về thời gian, địa điểm của người yêu cầu cung cấp dịch vụ" theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, ngày 18/12/2020 của Chính phủ. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và giảm các chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC về đất đai.

Đinh Hòa


NHÓM Ý KIẾN: 

 

* Công khai, minh bạchthủ tục hành chính về đất

Thủ tục hành chính (TTHC) về đất liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đây cũng là vấn đề nóng nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất trên địa bàn TP Hòa Bình. Để tháo gỡ "điểm nghẽn" về thủ tục đất đai cần có cơ chế rõ ràng, quy trách nhiệm cán bộ, không để nhận xét chung chung là còn chậm mà phải chỉ rõ chậm là do đâu, ai là người chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần bỏ ngay hiện tượng "tham nhũng vặt" trong thực hiện TTHC về đất, có sự minh bạch trong giải quyết TTHC. Để làm được điều đó yếu tố con người, công tác cán bộ là quan trọng nhất. Về vấn đề này, giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và UBND các huyện, thành phố phải xây dựng quy chế phối hợp phân rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị, quy trách nhiệm cho từng đơn vị theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Ngoài ra, thủ tục về đất đai có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy, đối với những khu vực nóng, phục vụ công tác đầu tư, ngành TN&MT cần đề xuất với tỉnh, thành phố tiến hành đo đạc, lập quy hoạch để sẵn sàng cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư.

 

Ngô Ngọc Đức

Bí thư Thành uỷ Hoà Bình


 

* Còn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thu hồi do đo đạc địa chính sai

Đối với huyện Lạc Thuỷ đã thực hiện việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo dự án đo đạc địa chính chính quy năm 2011 do Sở TN&MT làm chủ đầu tư. Do đó, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân chỉ thực hiện đối với các trường hợp kê khai, đăng ký lần đầu. Thực tế hiện nay, rất nhiều GCNQSDĐ bị sai và phải thực hiện thu hồi cấp đổi lại. Trong 2 năm từ 2020 - 2022, huyện nhận được 45 đơn đề nghị thu hồi GCNQSDĐ do dự án đo đạc địa chính cấp sai. Việc đo đạc lập bản đồ địa chính đã hoàn thành, nhưng vẫn còn nhiều thửa đất không được đo đạc chi tiết hoặc sai lệch giữa hiện trạng và giấy tờ về quyền sử sụng đất. Việc cấp đổi GCNQSDĐ theo dự án đo đạc địa chính, chính quy còn nhiều bất cập sai sót dẫn đến còn tồn giấy chứng nhận chưa trao cho người dân sử dụng đất. Vì vậy, để giải quyết các thủ tục về đất đai, đề nghị tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ dứt điểm vấn đề này.

 

Nguyễn Anh Thương

Phòng TN&MT huyện Lạc Thuỷ


 

* Cần hướng dẫn đầy đủ và chính xác người dân làm thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính về đất đai vô cùng phức tạp, nhiều văn bản hướng dẫn, nhiều văn bản thay thế nên người dân không phải lúc nào cũng có thể nắm bắt hết được. Vì vậy, trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục về đất đai, chúng tôi mong nhận được tư vấn kịp thời, chính xác của cán bộ tiếp nhận. Nhiều khi người dân nộp hồ sơ, cán bộ mỗi lần đến gặp lại bảo sai một cái, dẫn đến hồ sơ thủ tục phải làm đi làm lại hai, ba lần, chạy đi chạy lại. Đặc biệt, cán bộ địa chính cấp cơ sở nhiều khi cũng không nắm được thủ tục nên hướng dẫn cho người dân không chính xác. Vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đến người dân. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách mảng địa chính để tư vấn, hướng dẫn người dân một cách chính xác.

Nguyễn Thị Liên

Xã Yên Trị (Yên Thuỷ)


Các tin khác


Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

(HBĐT) - Ngày 29/5/2017, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng được tiềm năng phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế của tỉnh.

Tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách 

(HBĐT) - Sáng 8/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định số 78) trên địa bàn tỉnh. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và điểm cầu các huyện.

Tỏi tía - sản vật vùng cao Mai Châu

(HBĐT) - Tỏi tía Mai Châu (tỏi Noong Luông) vừa lọt Top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam (2021 - 2022) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố mới đây trong hành trình tìm kiếm, quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam. Các sản phẩm, món ăn khi lọt Top 100 được công bố, giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Top Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld), trên các kênh truyền thông thuộc hệ thống kỷ lục Việt Nam, mở ra cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh món ăn, đặc sản, giá trị ẩm thực Việt Nam trong và ngoài nước.

Agribank chi nhánh huyện Lạc Thủy ra quân phủ sóng VIETQR

(HBĐT) - Nhằm phát triển và gia tăng thêm nhiều tiện ích dịch vụ hiện đại đến khách hàng, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - chi nhánh huyện Lạc Thủy (Agribank chi nhánh huyện Lạc Thủy) vừa tổ chức lễ ra quân phủ sóng, giới thiệu VIETQR trên địa bàn.

Cảnh báo “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty Nhật Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư

(HBĐT) - Thực hiện Công văn số 7327/VPUBND-KTTH, ngày 30/8/2022 của Văn phòng UBND tỉnh về xử lý nội dung liên quan đến Công ty CP đầu tư thương mại bất động sản (BĐS) Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế (ANKT), an ninh trật tự (ANTT), Sở TT&TT có Văn bản số 1482/STTTT-TTBCXB, ngày 6/9/2022 đề nghị các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin liên quan đến Công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh; nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tránh gây thiệt hại về kinh tế, phức tạp về ANKT, ANTT bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.540 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, đến hết tháng 8/2022, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước đạt 3.540 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 3.291 tỷ đồng, bằng 92% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 54% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất nhập khẩu ước đạt 248,7 tỷ đồng, bằng 79% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và so chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Bên cạnh đó, thu ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 11.287,2 tỷ đồng, bằng 94% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và 78% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục