(HBĐT) - Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, thời gian qua, huyện Lạc Thuỷ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là nội dung được huyện nhấn mạnh là khâu đột phá cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Huyện Lạc Thủy quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: Xã An Bình phát triển nghề may công nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Từ năm 2013, gia đình bà Đỗ Thị Tươi ở khu Đoàn Kết, thị trấn Ba Hàng Đồi đã quy hoạch 3.000 m2 xây dựng chuồng trại, nuôi gà đẻ trứng, đầu tư 3 máy ấp trứng và bán gà con giống, quy mô từ 7.000 - 10.000 con gà đẻ/năm, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương. Nhiều năm liền, gia đình bà đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Bà Tươi chia sẻ: "Tôi thường xuyên tham gia học tập nâng cao kiến thức về KHKT để áp dụng vào thực tiễn. Trong quá trình chăn nuôi, cần lưu ý cho gà ăn đầy đủ chất nhưng tới giai đoạn gà sắp đẻ và gà đẻ cần bổ sung thêm canxi, vitamin. Trong giai đoạn gà nghỉ đẻ cho ăn nhiều dinh dưỡng để nhanh phục hồi, chuẩn bị cho lứa sau. Thức ăn chia theo từng giai đoạn khi nuôi gà đẻ trứng, làm sao để gà không quá béo mà vẫn cho trứng đều. Vì gà quá béo, lớp mỡ lấp hết buồng trứng gà sẽ đẻ ít”.

Những "kỹ sư nông dân” như bà Tươi xuất hiện ngày càng nhiều ở Lạc Thuỷ chính từ việc huyện tăng cường công tác đào tạo, hình thành được lực lượng lao động nông thôn có trình độ tay nghề cao. Năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn mới đạt 16,3%. Người dân chưa được tiếp cận nhiều với các kiến thức KHKT, vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Công tác đào tạo, hỗ trợ phát triển nghề cho lao động được quan tâm góp phần chuyển đổi ngành nghề, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2011 - 2021, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã tổ chức được gần 200 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.950 lao động được đào tạo các nghề như: May công nghiệp, hàn điện, điện tử, quản trị mạng, trồng rau an toàn, chăn nuôi gà, lợn…, giải quyết việc làm mới cho trên 26.000 lao động. Tổng nguồn vốn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 4 tỷ đồng. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 60,12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,24%, dịch vụ chiếm 18,64%, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 56,15%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 21,4%.

Từ đó, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình kinh tế của nông dân sau khi được đào tạo nghề và áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, như: Mô hình liên kết nuôi gà Lạc Thuỷ giữa HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng với quy mô gần 30 vệ tinh, sản xuất 2 triệu con giống/năm, gà thịt 100 tấn/năm, giá trị hàng hoá ước đạt 31,5 tỷ đồng/năm; mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Trần Minh Hùng, xã Đồng Tâm quy mô 2,2 ha, gồm: 2.000 con gà Ai Cập đẻ trứng, 20 con lợn nái ngoại giống Landrace, 100 con ba ba, 500 m2 ao thả cá, 100 gốc bưởi Diễn; mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng cây dược liệu của hộ ông Bùi Văn Huy, xã An Bình, quy mô 3.000 con/lứa, trồng 2,5 ha sả và 1.000 cây bưởi Diễn; mô hình chăn nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Duy Lành, xã Phú Thành quy mô 600 - 800 con/lứa...

Xây dựng đội nguõ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Bên cạnh việc tăng cường có hiệu quả công tác giáo dục, tư vấn nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, huyện Lạc Thuỷ đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Coi đây là khâu then chốt nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Theo đó, để có được đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên”, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được quan tâm chú trọng và thực hiện đa dạng, nhiều loại hình đào tạo. Huyện khuyến khíchCBCCVC tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm. Cử CBCCVC đi đào tạo trình độ sau đại học. Mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCCVC cập nhất kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến tháng 8/2022, đội ngũ CBCCVC thuộc huyện có 1.672 đồng chí. Đa số CBCCVC đều được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, năng động, nắm bắt nhanh công nghệ thông tin. Hiện nay, trình độ cao đẳng, đại học chiếm trên 98,74%, trình độ trên đại học chiếm 1,26%; 100% có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên, trong đó, cao cấp trên 3,18%, trung cấp 7,39%.

Bên cạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ, huyện chú trọng đào tạo theo hướng lấy kinh nghiệm từ thực tiễn bằng cách luân chuyển công tác nhằm giúp cán bộ luân chuyển, điều động phát huy năng lực công tác, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ trưởng thành qua thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy nhạy bén, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Những kết quả đạt được trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành tiền đề vững chắc để Lạc Thuỷ phát triển bền vững, toàn diện. Đến năm 2021, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,34%; thu nhập bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng/năm.

Đồng chí Bùi Trung Kiên, Bí thư Huyện uỷ cho biết: Phát triển nguồn nhân lực được huyện xác định là khâu đột phá chiến lược. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực. Trong đó, dành nhiều quan tâm hơn nữa cho giáo dục và đào tạo. Thu hút đầu tư để hoàn thiện về cơ sở vật chất trường lớp; chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng cho học sinh; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề; tìm kiếm, hợp tác với các địa phương có nhu cầu về lao động để đưa lao động của huyện đi làm việc, coi trọng xuất khẩu lao động vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa tạo điều kiện cho việc tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng lao động; phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60% vào năm 2025. Chú trọng phát triển nhân lực qua việc đào tạo gắn với sử dụng và trọng dụng nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đảm bảo lao động kỹ thuật cho các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đinh Thắng

Các tin khác


PC Hòa Bình nỗ lực hướng tới sự hài lòng cho khách hàng

(HBĐT) - Những năm qua, bên cạnh những giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh được giao, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) còn tăng cường thực hiện nhiều loại hình dịch vụ điện để mang lại sự hài lòng đến với khách hàng.

Phòng trừ, xử lý kịp thời sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa mùa

(HBĐT) - Thời điểm này, lúa mùa trà sớm đang ở giai đoạn đứng cái - ôm đòng; trà chính vụ cuối đẻ nhánh - đứng cái; trà muộn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh. Sản xuất vụ mùa năm 2022 trong điều kiện khí hậu biến đổi khó lường, thời tiết nắng nóng kéo dài nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV), qua điều tra trên đồng ruộng đã phát hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang phổ biến tuổi 1 - 3 gây hại mạnh trên diện tích trà muộn ở địa bàn các huyện: Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu, Đà Bắc.

Dạy nghề cho 3.580 lao động nông thôn

(HBĐT) - Với phương châm đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, những năm qua huyện Mai Châu đã xây dựng được một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn được áp dụng trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp.

Thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - "Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hoàn thành các mục tiêu chương trình XDNTM giai đoạn 2021 - 2025". Đó là mục đích được UBND tỉnh đề ra và tập trung chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành chung sức thực hiện.

Tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai

(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh đã hết mưa, chỉ cục bộ mưa nhỏ tại một số điểm. Mực nước các sông đã giảm xuống dưới mức báo động I.

Cải cách thủ tục hành chính về đất đai - nhìn từ thực tiễn

(HBĐT) - Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo nhận định của người dân và doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục