(HBĐT) - Phát triển các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) để thu hút đầu tư sẽ góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh và phát triển KT-XH của tỉnh. Chính vì vậy, vấn đề này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo với chủ trương phát triển các K,CCN phải đặt trong tổng thể định hướng phát triển KT – XH của tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả phát triển KT – XH và môi trường là mục tiêu cao nhất. Việc quy hoạch các K,CCN dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh, của vùng, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và kết cấu hạ tầng thuận lợi. Tỉnh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là: Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các K,CCN chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Theo phê duyệt, tỉnh Hòa Bình có 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 1.507,43 ha. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành khảo sát thực tế một số huyện, thành phố có quỹ đất và khả năng thu hút các nhà đầu tư. Kết quả đến nay đã thống nhất, đề xuất tích hợp bổ sung mới 4 KCN gồm: KCN - đô thị - dịch vụ Bảo Hiệu, KCN Yên Thịnh, KCN - đô thị - dịch vụ Tân Phong và KCN Cao Sơn tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc, tổng diện tích quy hoạch 1.493 ha vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó nâng tổng số quy hoạch trên địa bàn tỉnh lên 12 KCN với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Bên cạnh đó, hiện tại, tỉnh quy hoạch 21 CCN với tổng diện tích 866,605 ha. Có 16/21 CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích 683,225ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt 4.862,458 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường, thúc đẩy có hiệu quả công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch, nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các K,CCN, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các K,CCN tỉnh. Định kỳ 3 tháng/lần hoặc đột xuất, Ban chỉ đạo họp bàn các giải pháp, tháo gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, thủ tục đầu tư, pháp lý, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)... các dự án đầu tư hạ tầng và các dự án đầu tư thứ phát trong các K,CCN.
Đến nay, KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà đã cơ bản đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật; 5 KCN có chủ đầu tư hạ tầng là Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch, Mông Hóa; các KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Yên Quang đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; KCN bờ trái sông Đà có khu nhà ở công nhân, lao động. Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư một số công trình thiết yếu tại KCN Mông Hóa, bờ trái sông Đà, Yên Quang, Lạc Thịnh; hoàn thành công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch với tổng diện tích 248,75ha tại các KCN: bờ trái sông Đà, Lạc Thịnh, Yên Quang, Mông Hóa và đang triển khai quy trình, thủ tục GPMB khoảng 105 ha KCN Nhuận Trạch; 70 ha KCN Mông Hóa và 30 ha KCN Yên Quang. Tính đến tháng 8/2022, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng các KCN gần 1.250 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ 227,85 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 354,115 tỷ đồng, vốn của chủ đầu tư hạ tầng 667,095 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu các CCN tại TP Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn với tổng vốn đầu 501,444 tỷ đồng (vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ 58 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 34,188 tỷ đồng, vốn của chủ đầu tư hạ tầng 409,256 tỷ đồng). Qua đó đã triển khai được các hạng mục về quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, công tác đền bù GPMB, hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải tập trung...
Sau nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đến nay, CCN Phú Thành II (Lạc Thủy) đã thu hút được 9 doanh nghiệp (DN), trong đó 2 DN đã đi vào hoạt động. Trao đổi về hoạt động SX-KD tại CCN Phú Thành II, ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Từ khi triển khai các thủ tục đầu tư cho đến khi đi vào hoạt động SX-KD, công ty luôn được nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các ban, ngành chức năng. Nhà máy sản xuất phân hữu cơ sinh học của công ty hoạt động sản xuất tại CCN Phú Thành II. Ở đây có cơ sở hạ tầng khá tốt, đáp ứng được yêu cầu, nhất là thuận tiện về giao thông, đảm bảo cung cấp điện. Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để công ty thực hiện được mục tiêu, phương hướng phát triển là mở rộng quy mô, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với việc chú trọng quy hoạch, tạo quỹ đất sạch và thu hút đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ đã giúp các K,CCN trong tỉnh ngày càng đón được nhiều DN, nhà đầu tư thứ cấp. Tính đến tháng 8/2022, các KCN trong tỉnh đã thu hút được 104 dự án, trong đó có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 66,7% dự án FDI toàn tỉnh), tổng số vốn đăng ký 514,78 triệu USD (chiếm 83,5% vốn đăng ký FDI toàn tỉnh) và 78 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 13.574,66 tỷ đồng. Các KCN có 64 dự án đang hoạt động SX-KD. Các CCN có 15 dự án đầu tư SX-KD. Năm 2021, doanh thu của các DN KCN đạt 18.189 tỷ đồng, chiếm 44,36% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt 690 triệu USD, chiếm 56,6% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh; nộp NSNN 250 tỷ đồng. 9 tháng năm 2022, doanh thu từ hoạt động SX-KD của các DN ước đạt 15.417 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; giải quyết việc làm cho khoảng 20.100 lao động.
Đối với các CCN, trong giai đoạn 2014-2022 thu hút được 25 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án thứ cấp đầu tư SX-KD lên 28 dự án; tổng số vốn đăng ký khoảng 2.594,7 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã thu hút dự án thứ cấp đạt 56,8%. Trong năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động.
Bình Giang