Mô hình trồng chè shan tuyết đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào Mông bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu).
Xóm Báo, xã Bao La có gần 100 hộ, đa phần là dân tộc Thái. Kinh tế của các hộ phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hình thức sản xuất chủ yếu là tự cấp, tự túc nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2018, qua khảo sát thực tế, một số hộ trong xóm chăn nuôi giống lợn đen thuần chủng có giá trị kinh tế cao, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS& MN, UBND huyện Mai Châu đã hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng để mua con giống, nhân rộng mô hình đến một số hộ trên địa bàn. Cùng với hỗ trợ vốn, UBND huyện đã phối hợp với tổ chức GNI mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, hướng dẫn quy trình chăm sóc; đồng thời hướng dẫn thành lập cũng như kỹ năng quản lý, vận hành hoạt động HTX chuyên về chăn nuôi và cung cấp thịt lợn bản địa là HTX Mường Pa. Từ 17 hộ thành viên ban đầu, đến nay đã có gần 50 hộ tham gia. Sản phẩm lợn thịt của HTX Mường Pa đã được xuất bán tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ.
Ngoài mô hình chăn nuôi lợn bản địa tại xã Bao La, hiện nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, một trong những mô hình góp phần giúp ĐBDTTS giảm nghèo bền vững là trồng chè tại xã Pà Cò. Với việc hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật canh tác mới theo hướng tăng mật độ cây trồng trên 1 ha đất và thực hiện quy trình thu hái đúng thời điểm, mô hình chè shan tuyết do UBND huyện Mai Châu phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền (TP Hoà Bình) thực hiện đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ổn định cuộc sống. Sau nhiều năm liên kết sản xuất theo chuỗi cùng Dự án giảm nghèo, vùng chè tại xã Pà Cò đã mở rộng lên gần 180 ha, mang lại thu nhập ổn định cho hộ đồng bào Mông thuộc xóm Chà Đáy, xã Pà Cò.
Đồng chí Hà Văn Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Châu cho biết: Từ chủ trương của Đảng, đặc biệt là từ các chính sách của Nhà nước hỗ trợ sinh kế, tạo cơ hội giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc, huyện đã chú trọng xây dựng các mô hình theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hoá phù hợp với đặc điểm kinh tế từng địa bàn, dân tộc. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với các ngành, lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế dựa trên nông sản đặc trưng của địa phương. Mới đây nhất, chúng tôi đã hỗ trợ mô hình phát triển cây tỏi tía đặc sản, mô hình trồng rau ôn đới trái vụ tại xã Thành Sơn; trồng khoai sọ tại xã Phúc Sạn và phát triển mô hình nuôi cá dầm xanh tại xã Mai Hạ... Ngoài hỗ trợ về giống, kỹ thuật, huyện hướng mạnh vào hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, thành lập các HTX và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, để giúp các hộ vùng ĐBDTTS&MN phát triển sản xuất, huyện phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Trong đó, mô hình chính là trồng dược liệu dưới tán rừng trồng, vừa góp phần khoanh nuôi bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế.
Cùng với các mô hình trên, nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng ĐBDTTS bình quân mỗi năm giảm từ 3-3,5%, huyện đang triển khai đề án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư cho nhân dân các xã vùng hồ sông Đà, huyện Mai Châu; Dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò giai đoạn 2021 -2025. Đây là những dự án trọng điểm trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 sẽ mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống vùng đồng bào dân tộc tại huyện Mai Châu", đồng chí Hà Văn Hải cho biết.
Đinh Hòa