Dồn điền, đổi thửa giúp nông dân huyện Lạc Thủy áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị canh tác.
Thực hiện Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy, huyện Lạc Thủy đã ban hành kế hoạch DĐĐT trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Bổ sung nhiệm vụ thực hiện công tác DĐĐT cho BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thành lập tổ giúp việc, tổ công tác thực hiện DĐĐT. Các cấp, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân tham gia DĐĐT. Đặc biệt, sau dồn điền, các hộ được đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ làm công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị… Từ năm 2017-2021, nguồn lực huyện Lạc Thủy huy động DĐĐT đạt 34.445,8 triệu đồng, trong đó NSNN 32.500 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 1.945 triệu đồng.
Với nhiều giải pháp thực hiện DĐĐT đã tạo động lực giúp người dân các xã, thị trấn tích cực tham gia. Điển hình như ở thị trấn Chi Nê, xã Phú Nghĩa, xã An Bình. Năm 2012, thị trấn Chi Nê (xã Lạc Long trước đây) đã thực hiện DĐĐT tại 4/5 thôn với 305 hộ dân tham gia, tổng diện tích 86,4 ha (chiếm 43,78% diện tích đất giao theo Nghị định số 64/CP). Đến thời điểm hiện tại, giảm 2,58 thửa/hộ, giảm 3,17 thửa so với khi chưa thực hiện DĐĐT. Trong quá trình thực hiện, xã Lạc Long đã vận động Nhân dân hiến được 2.500 m2 đất để làm thủy lợi và giao thông nội đồng.
Còn tại xã An Bình, từ năm 2019 - 2021, xã thực hiện DDĐT được 370,6 ha, bằng 41,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vượt kế hoạch đề ra. Trong quá trình thực hiện, An Bình đã vận động Nhân dân hiến được 34.200 m2 đất để làm giao thông và thủy lợi.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện đánh giá: DĐĐT tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất. Việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa; giảm được chi phí nhân công làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, công thu hoạch sản phẩm. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Theo tính toán, việc DĐĐT cùng với hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nội đồng thuận lợi đã giảm 2 lao động/360 m2. Đồng thời, khuyến khích người dân tăng cường áp dụng KHKT, cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây hiệu quả kinh tế thấp sang cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng ngô, trồng màu sang cây lâu năm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Lạc Thủy. Mục tiêu của huyện đến năm 2025 dồn đổi được 1.020 ha. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thực hiện DĐĐT. Phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện các mô hình tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn…
Thu Thủy