(HBĐT) - Ngày 23/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022- 2023. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Vụ mùa - hè thu năm nay, công tác chỉ đạo sản xuất được thực hiện sớm, tập trung trong khung thời vụ. Thời tiết, khí hậu tương đối ổn định; công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng được quan tâm nên các đối tượng dịch hại được kiểm soát tốt. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 45,73 nghìn ha, đạt 100,2% so với cùng kỳ và 105,2% kế hoạch. Diện tích cây lương thực có hạt đạt 33,51 nghìn ha, đạt 100,6% so với cùng kỳ và 102,8% kế hoạch. Sản lượng lương thực cây có hạt cả năm ước đạt 36,5 vạn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, tăng 1,49% so với kế hoạch.
Tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại tiếp tục tăng. Công tác sản xuất gắn với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản bước đầu đạt hiệu quả. Toàn tỉnh đã trồng mới khoảng 7,9 nghìn ha rừng, đạt 138% so với kế hoạch; duy trì độ che phủ rừng 51,5%. Về nuôi trồng thuỷ sản, trong tỉnh hiện có 4,85 nghìn lồng nuôi cá, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 2,7 nghìn ha; sản lượng cả năm ước đạt 12.170 tấn, tăng 1 nghìn tấn so với cùng kỳ…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong sản xuất vụ mùa - hè thu. Đối với kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, các đại biểu thống nhất, phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh dự kiến 117 nghìn ha, vụ chiêm xuân 62,55 nghìn ha. Phấn đấu tăng diện tích trồng mía lên 7,3 nghìn ha; diện tích cây ăn quả có múi cho thu hoạch đạt trên 7.500 ha...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong sản xuất vụ mùa - hè thu năm 2022. Đồng chí nhấn mạnh: Vụ đông xuân 2022-2023 có diện tích gieo trồng lớn, nhiều loại cây trồng để thâm canh cho năng suất cao, quyết định đến kết quả sản xuất cả năm. Tuy nhiên, dịch bệnh trên cây trồng có thể diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp đầu vào còn cao. Do đó, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu vụ bằng các nhóm giải pháp cụ thể để đạt kết quả toàn diện. Tập trung chỉ đạo rà soát các diện tích đã có quyết định thu hồi đất, các diện tích trong kế hoạch bố trí cho các dự án trọng điểm của tỉnh, diện tích chưa đảm bảo điều kiện để thực hiện dự án, tận dụng các diện tích này để tăng vụ, tăng diện tích gieo trồng; chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, diện tích đất không chủ động nước sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn; tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục bố trí rải vụ cây rau, màu vụ đông để đảm bảo cả về tăng diện tích, sản lượng và giá trị; chú trọng sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt là xuất khẩu nông sản; hướng dẫn công nhận, nâng sao cho các sản phẩm OCOP của tỉnh...
TH