(HBĐT) - Đến thăm vườn cam rộng 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở thị trấn Cao Phong, ấn tượng nhất là màu xanh mướt mắt, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Còn tại vườn nhà anh Đỗ Ngọc Hà ở xóm Lãi, xã Tây Phong, diện tích cam bị bệnh đã được xử lý kịp thời, đảm bảo phục hồi và phát triển tốt. Đây là 2 trong nhiều hộ gia đình ở huyện Cao Phong đang thực hiện tái canh cây cam theo hình thức phục hồi và cơ cấu lại sản xuất, hướng tới nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây cam - cây trồng chủ lực nhất của huyện Cao Phong.


Người dân xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) đầu tư trồng cam, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm qua, cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó chủ lực là cây cam đã phát triển mạnh trên địa bàn huyện, mang lại nguồn thu lớn cho người dân, góp phần đắc lực phát triển KT-XH. Tuy nhiên, do người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch nên diện tích cây cam tăng vọt, có năm tăng đến 3.000 ha. Cùng với đó, một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng nên xuất hiện sâu bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng và chất lượng loại cây đặc sản này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu thiết yếu là phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững CAQCM nói chung, cây cam nói riêng. 

Xác định hướng đi chiến lược để củng cố, nâng cao hiệu quả canh tác, hướng tới phát triển bền vững vùng CAQCM, huyện tích cực thực hiện Đề án "Tái canh CAQCM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn. Đề án là chiến lược trọng điểm trên lộ trình nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng CAQCM. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đồng bộ, bền vững, từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn huyện thực hiện tái canh khoảng 1.500 ha. Trong đó, trồng lại cam mới trên đất đã cải tạo 800 ha, phục hồi và cải tạo lại diện tích đang thời kỳ kinh doanh 700 ha. Riêng Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình được giao tái canh khoảng 500 ha.

Để thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện; đề nghị xây dựng cánh đồng mẫu để từng bước hình thành các vùng trồng lớn; cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo nguồn giống sạch bệnh phục vụ tái canh và ban hành các quy trình kỹ thuật cho từng loại giống phù hợp để thực hiện tái canh; cải thiện, nâng cấp hạ tầng phục vụ vùng sản xuất tập trung...

Theo UBND huyện, chủ trương tái canh cây cam bước đầu được triển khai thuận lợi và đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đến nay, đã có 4/5 chương trình, dự án ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó, dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung huyện Cao Phong đã hoàn thành trên 95%. UBND huyện chỉ đạo Phòng NN& PTNT phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh có kế hoạch hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích CAQCM đang trong chu kỳ kinh doanh. Đồng thời, rà soát diện tích cam trong các thời kỳ để xây dựng kế hoạch tái canh hàng năm, có kế hoạch chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các giống cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, ngô sinh khối, chuối… Đến nay, trong huyện có khoảng 780 ha CAQCM được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất, thời gian luân canh từ 2 - 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm. Đặc biệt, Viện Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan đang xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh CAQCM. Giải pháp này sẽ sớm được đánh giá, hoàn thiện và thông tin rộng rãi đến các địa phương, cơ sở, người sản xuất. Công tác tổ chức sẽ được triển khai đồng bộ, đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện tái canh CAQCM, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây cam ở huyện Cao Phong, tạo động lực để toàn huyện phát triển KT-XH, phấn đấu đến năm 2025, Cao Phong trở thành huyện nông thôn mới.

 Việt Lâm

Các tin khác


Trên 100.000 lượt khách tới Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc 

(HBĐT) - Tối 21/11, UBND tỉnh đã tổ chức bế mạc Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2022. Tới dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội chợ; các thành viên Ban tổ chức hội chợ...

Người dân xã Tú Lý tranh thủ thời vụ sản xuất vụ đông

(HBĐT) - Ngay sau khi thu hoạch xong vụ mùa, hè thu, người dân xã Tú Lý (Đà Bắc) đã bắt tay vào làm đất, gieo trồng rau, màu vụ đông.

Cấp thiết đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập

(HBĐT) - Việc tổ chức quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu kịp thời vụ. Chính vì vậy, đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, nông sản

(HBĐT) - Thời gian qua, ngành NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (NLTS). Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, nông sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục