Sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc ngày càng hoàn thiện và nâng cao quy trình canh tác,đáp ứng những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật để thành công trong việc chinh phục thị trường Anh quốc.
Hơn 1 năm trước, cả nước cùng gồng mình chống dịch, tỉnh ta cũng không ngoại lệ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các loại nông sản chậm tiêu thụ, giá bán giảm, người nông dân và các HTX sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Chủ động, linh hoạt và kịp thời vào cuộc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, ngành NN&PTNT cũng như các tổ chức, đơn vị, địa phương đã giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong hoạt động xuất khẩu nông sản, thời điểm sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tính riêng năm 2021, Công ty cổ phần Kim Bôi đã xuất khẩu được 13 chuyến hàng nông sản chế biến sang thị trường các nước. Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Công ty gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo cũng như toàn thể công nhân viên nỗ lực vượt khó, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; củng cố, giữ vững niềm tin với khách hàng và thị trường trong nước, nước ngoài. Bước qua năm khó khăn do dịch bệnh, tính đến hết năm 2022, công ty tiếp tục xuất khẩu được 11 chuyến hàng, với tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp trên 13,2 tỷ đồng.
Năm qua, trên cơ sở các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao đã đưa ra các giải pháp để tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung vào việc sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói. Kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp, HTX thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Công tác xúc tiến thương mại (XTTM) cho các sản phẩm nông sản được quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp để tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh tại Nhật Bản. Tổ chức, tham gia các chương trình XTTM, diễn đàn, hội chợ như: Chương trình XTTM tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan; Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU kết nối với các Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong, ngoài tỉnh; Hội chợ quốc tế Việt - Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài...
Dưới sự chỉ đạo của tỉnh; nỗ lực hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, HTX và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, một số sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu, từ đó nâng cao thương hiệu và giá trị nông, lâm sản của tỉnh. Với mục tiêu tăng 10% so với năm 2021, trong năm 2022, đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021). Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi...) được xuất khẩu với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92% so với năm 2021. Đến nay, toàn tỉnh có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Số doanh nghiệp, HTX có sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2022. Đây là tiền đề cho việc xuất khẩu trong những năm tiếp theo. Một số nông sản tươi xuất khẩu còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhưng hiệu ứng thì rất tốt. Bởi có thông tin về sản phẩm được xuất khẩu trên các phương tiện thông tin truyền thông nên giá của sản phẩm giữ được ổn định và tăng lên, làm gia tăng giá trị sản xuất. Vì vậy, để phát huy kết quả đạt được trong năm cũ và đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản chủ lực những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHKT, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, giải pháp KHCN mới vào sản xuất. Tăng cường hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cấp MSVT, mã số vùng nuôi trồng thủy sản, mã số cơ sở đóng gói...
Thu Hằng