Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong nước và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế là những thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó, câu chuyện lãi suất được đánh giá là thách thức lớn nhất đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2023.
Giao dịch khách hàng tại chi nhánh Agribank.
Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động từ năm 2021 được các ngân hàng trung ương (NHTƯ) thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2022. Mức độ và tần suất tăng lãi suất được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực thi nhanh nhất trong lịch sử với 7 lần điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2022 từ 0-0,25%/năm lên 4,25-4,5%/năm. Nhiều NHTƯ tại cả nước phát triển và đang phát triển cũng đã phải tăng mạnh lãi suất và bán ngoại tệ can thiệp thị trường để bảo vệ giá trị đồng bản tệ, kiểm soát lạm phát.
Linh hoạt giải pháp, bảo đảm hai mục tiêu
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, với các giải pháp chính sách tiền tệ được triển khai đồng bộ, năm 2022 ngành ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế. Lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, trong đó lạm phát CPI bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Những áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.
Một điểm nhấn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm qua được nhiều chuyên gia ghi nhận, đó là việc cùng lúc thực hiện hai mục tiêu: Vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song vẫn hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nêu rõ những giải pháp để thực hiện hai mục tiêu trên, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết: Ðiều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách vì phải hướng đến các mục tiêu có tính xung đột trong một số thời điểm.
Vì thế, công tác điều hành đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh. Và trong năm 2022 vừa qua, điều hành chính sách tiền tệ đã bám sát diễn biến thị trường trong từng thời điểm, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp tùy thuộc vào bối cảnh tình hình.
Trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các NHTƯ tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, nhất là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). " Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh.
Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
"Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Ðể bảo đảm nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”, ông Phạm Thanh Hà cho biết thêm.
Nỗ lực giảm lãi suất cho vay
Bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới đã tạo nên một mặt bằng lãi suất toàn cầu rất cao, làm cho đồng USD tăng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang dẫn giải: Cuối tháng 9, chỉ số đô-la (DXY) đã lên mức 115, tức là tăng 21% so với đầu năm 2022, tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà của các nước đang phát triển và những nước mới nổi. Ðồng USD trở thành "hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD, giảm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước trước xu hướng dòng tiền đổi chiều.
Trong khi đó, trong nước, kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Với bối cảnh đó, sự chống chọi của chính sách tiền tệ của các nước, nhất là của Việt Nam - một nước có độ mở kinh tế lớn với các cú sốc này là rất căng thẳng.
Làm sao để tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá? Cũng theo TS Phạm Chí Quang, nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối; nhưng ngược lại, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô. "Nhúng” hệ điều hành chính sách tiền tệ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung sẽ cho thấy được bức tranh chung mà ngành ngân hàng phải đối mặt với những thách thức thời gian qua cũng như trong năm 2023.
Theo đó, tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng đã chỉ rõ các thách thức, cụ thể: Làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng khi một số chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã ở ngưỡng cảnh báo; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của Mỹ; làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống trước sự cố tháng 10 trên thị trường liên ngân hàng khi niềm tin thị trường suy giảm cùng với những biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa, thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 chính là vấn đề lãi suất. Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng theo ông Nghĩa, lãi suất thực ở Việt Nam hiện nay đang quá cao.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1 năm hiện nay khoảng 9,4%, nếu trừ đi lạm phát bình quân (3,15%) thì đang ở thực dương 6,25%. Còn lãi suất cho vay 1 năm hiện nay trung bình 12,5%, trừ đi lạm phát thì đang hơn 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá USD 3,81% thì đang dương 13%. "Lãi suất thực (cho vay) hơn 13% là mức lãi suất cho vay cao nhất nhì thế giới, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Với mặt bằng lãi suất này, doanh nghiệp trong nước sẽ đuối sức, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài - vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, TS Nghĩa cho hay. Do đó, trọng tâm chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Sáng 13/1, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã.
(HBĐT) - Mỗi mùa xuân mới, về thăm những xã vùng cao trong tỉnh - nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống, tôi lại cảm nhận như đang khám phá những vùng đất mới, tràn đầy sức sống. Những năm qua, nhờ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc đã tạo sức bật cho các vùng quê giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Sở NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022-2023.
(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện còn duy trì chăn nuôi những giống lợn có xuất xứ tại địa phương với chất lượng thịt thơm ngon. Đây cũng là đặc sản được nhiều người "săn” mỗi dịp Tết đến.
(HBĐT) - Theo Sở Công Thương, nhằm thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên địa bàn tỉnh, có 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, số tiền doanh nghiệp tự bình ổn là 52,7 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.
(HBĐT) - Sở NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022-2023.