(HBĐT) - Với sự quyết liệt chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, địa phương, đến nay, tỷ lệ đô thị hóa (ĐTH) toàn tỉnh đạt 33,42%, khả thi sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ĐTH của tỉnh đến năm 2025 đạt 38% theo Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Các ngành chức năng đang tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt chương trình phát triển đô thị (PTĐT) giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030, từ đó đặt ra kế hoạch cụ thể, tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, có bản sắc, có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt hơn, hướng tới một đô thị có vị thế kinh tế, văn hóa trong cả nước.
Tỷ lệ ĐTH của tỉnh thấp hơn so với bình quân cả nước. Nhiều năm nay, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ ĐTH. Trong đó, đã thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đã đạt được những kết quả khả quan.
Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, diện mạo đô thị TP Hoà Bình tiếp tục được đầu tư với hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng như: đường Chi Lăng, các cầu qua sông Đà, nhà ở thương mại, đô thị; nhiều dự án thương mại, dịch vụ, công nghiệp tiếp tục được đưa vào khai thác. Diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi, nhiều xã được nâng cấp lên phường. Hiện, tỷ lệ ĐTH của thành phố đạt 78,72%. Thành phố đang tập trung cao độ cho công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án, công trình trọng điểm mở rộng không gian PTĐT dọc hai bờ sông Đà, triển khai các tuyến giao thông quan trọng như: cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường nối đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ; quốc lộ 6, quốc lộ 70B; hệ thống giao thông kết nối các trục dọc, trục ngang; các dự án nhà ở đô thị ven sông, sân golf, trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn…, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025 theo NQĐH Đảng bộ tỉnh và NQĐH Đảng bộ thành phố lần thứ II, là đô thị sinh thái phát triển xanh, bền vững.
Lạc Sơn là huyện có tỷ lệ đô thị thấp nhất tỉnh, đạt 8,65% (năm 2020). Để nâng cao tỷ lệ ĐTH, Huyện uỷ Lạc Sơn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về PTĐT; UBND huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai. Đến nay, diện mạo đô thị huyện có nhiều khởi sắc. Huyện đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đem lại hiệu quả chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao tỷ lệ ĐTH. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư, nhiều khu đất được đấu giá tạo nguồn thu để PTĐT. Huyện thực hiện các giải pháp PTĐT, PTĐT thị trấn Vụ Bản, Mường Vó, Mường Khói theo các cấp đô thị, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ ĐTH toàn huyện đạt 15%, đến năm 2030 đạt 25%.
Những năm gầy đây, tỷ lệ ĐTH của tỉnh được nâng lên đáng kể. NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt 25%, hết năm 2020 tỷ lệ này đạt 28,69%; năm 2021 đạt 31,6%; năm 2022 đạt 33,42%. NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cũng như các đề án của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ ĐTH toàn tỉnh đạt 38%. Với các giải pháp đã, đang triển khai để PTĐT như: quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở, thu hút các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ, đầu tư hạ tầng nâng cấp các đô thị..., dự kiến khả thi tỷ lệ ĐTH của tỉnh sẽ đạt khoảng 39% vào năm 2025, vượt chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đồng chí Phạm Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở Xây dựng đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng chương trình PTĐT tỉnh Hoà Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án đặt mục tiêu cụ thể hoá định hướng PTĐT theo quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, phù hợp với chương trình PTĐT quốc gia, từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn theo từng giai đoạn phát triển và các chỉ tiêu đô thị; xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển hệ đô thị, nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với bản sắc văn hoá của mỗi đô thị. Đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt 38%, đến năm 2030 đạt 43,8%, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại, có chất lượng sống đô thị tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, giàu bản sắc, có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị cả nước.
Lộ trình thực hiện đến năm 2025, tỉnh có 13 đô thị, trong đó có 10 đô thị hiện hữu, gồm: TP Hoà Bình đạt tiêu chí đô thị loại II; thị trấn Mai Châu và khu vực mở rộng (Mai Châu) và thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đạt tiêu chí đô thị loại IV… Khu vực dự kiến hình thành đô thị mới có 3 đô thị, gồm: Huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, cơ sở pháp lý thành lập thị xã; 2 xã đạt tiêu chí đô thị loại V, gồm: Phong Phú (Tân Lạc), Ân Nghĩa (Lạc Sơn), cơ sở để thành lập thị trấn. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 16 đô thị, có 10 đô thị hiện hữu và 3 đô thị khu vực dự kiến hình thành đô thị; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị. Thị trấn Chi Nê (Lạc Thuỷ) và 3 xã đạt tiêu chí đô thị loại IV là: Dũng Phong (Cao Phong), Ân Nghĩa (Lạc Sơn), Vạn Mai (Mai Châu).
Lê Chung