(HBĐT) - Với quan điểm nhất quán "Luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư (NĐT)”, tỉnh Hòa Bình đang triển khai những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), NĐT nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư vào những lĩnh vực: đô thị, sinh thái du lịch, nông nghiệp, công nghiệp gắn với phát triển đô thị, thực hiện mục tiêu khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế hướng về Thủ đô Hà Nội, theo phương châm phát triển xanh, bền vững.


Những năm qua, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác đã góp phần quan trọng mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh.

Là tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc, diện tích tự nhiên hơn 4,5 nghìn km2, quy mô dân số trên 94 vạn người. Tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, sở hữu môi trường sạch, trong lành, cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Hòa Bình hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện KT-XH, nhất là các ngành công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao… Tỉnh Hòa Bình thực hiện những giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo để tạo chuyển biến và hiệu quả thực chất về công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để tạo sự phát triển mới. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước và năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược gồm: Quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển 3 trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp sạch, phụ trợ có giá trị cao và du lịch là mũi nhọn, lấy quy hoạch vùng Thủ đô làm định hướng phát triển. Quy hoạch tỉnh được khẩn trương xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở pháp lý quan trọng quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng tỉnh phát triển bền vững.

Tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao; xây dựng "Chính quyền đồng hành cùng DN” nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành T.Ư để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan tới đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ đạo cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các NĐT triển khai dự án; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu, ách tắc trong thực hiện các TTHC liên quan đến DN, NĐT, hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến thực chất môi trường kinh doanh. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ để thu hút NĐT có tiềm năng; lựa chọn các NĐT có năng lực, phù hợp với tiêu chí thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn để phục vụ phát triển KT-XH.

Xác định du lịch là mũi nhọn, du lịch sẽ trở thành điểm đến "sinh thái và nghỉ dưỡng” với bốn chủ đề khác nhau, bao gồm "Hồ & Núi”, "Văn hóa & Dân tộc”, "Sức khỏe & Thư giãn” và "Thủ phủ Golf”. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư vào các khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường như hồ Hòa Bình, các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ…; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, cải thiện đời sống người dân. Tập trung thu hút các dự án thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, thu hút những dự án vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái theo xu thế phát triển mới là Hoà Bình trở thành ngôi nhà thứ 2 của người dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 1% diện tích đất tự nhiên dành cho phát triển công nghiệp; chú trọng rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển KCN, CCN; ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị; chú trọng thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hòa Bình đã ổn định diện tích canh tác các loại nông sản có thế mạnh được đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá, tôm sông Đà, đã có sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu…

Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm ưu tiên các dự án giao thông trọng điểm có dẫn dắt, thu hút đầu tư. Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm khởi công và khai thác theo kế hoạch, tạo động lực phát triển bền vững.

Với tiềm năng, lợi thế và sự chuyển động của bộ máy chính quyền đồng hành hỗ trợ NĐT, công tác thu hút đầu tư của tỉnh có khởi sắc đáng mừng. Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số dự án được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%.

Đến nay, toàn tỉnh có 729 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng. Các KCN hiện có 105 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,9 triệu USD và 80 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13.992,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều NĐT lớn trong, ngoài nước đã và đang đầu tư có hiệu quả, từng bước khẳng định được vị trí, thương hiệu trong nước và quốc tế. Có nhiều NĐT nghiên cứu, triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cuối Hạ (Kim Bôi); Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) do Tập đoàn Sun Group đề xuất; Dự án Khu đô thị sinh thái do Công ty TNHH phát triển Phú Hưng Khang đề xuất; Dự án sân Golf do Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đề xuất; Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (Tân Lạc) do Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn đầu tư; Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thiện do Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình đầu tư…

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển năng động, bền vững, xứng tầm là trung tâm vùng Tây Bắc, có vai trò kết nối và hỗ trợ vùng Thủ đô, tỉnh Hòa Bình quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm đột phá, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan tới cải cách hành chính, xây dựng bộ máy cấp ủy, chính quyền đồng hành, hỗ trợ NĐT; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, sớm đưa dự án đi vào hoạt động; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, thực hiện tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu xuyên suốt; lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó sớm đưa Hòa Bình trở thành một tỉnh phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ, điểm sáng mới về thu hút các NĐT đến với Hòa Bình.


Lê Chung


Các tin khác


Thành công từ mô hình nuôi lợn bản địa

(HBĐT) - Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, anh Nguyễn Xuân Phúc ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã phát triển thành công mô hình nuôi lợn bản địa. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, anh Phúc đã kết hợp chăn nuôi và chế biến các món ăn từ nguyên liệu thịt lợn mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hợp tác xã tiên phong đưa thương hiệu cam, bưởi vươn xa

(HBĐT) - Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc và nhãn hiệu chứng nhận bưởi Yên Thủy đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam, bưởi phải kể đến vai trò tiên phong của các hợp tác xã (HTX) trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại.

Giám sát thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại tỉnh

(HBĐT) - Chiều 21/2, đoàn giám sát do đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 làm trưởng đoàn đã giám sát thực hiện CTMTQG năm 2022 tại tỉnh. Tham gia đoàn giám sát có đại diện các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Công an, Ủy ban Dân tộc và một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Tiếp, làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Xem xét đầu tư một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Văn bản số 1317/BGTVT-KHĐT ngày 14/2/2023 về trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hoà Bình gửi tới trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Huyện Kim Bôi xây dựng và phát triển thương hiệu vùng Mường Động

(HBĐT) - Xác định xây dựng và phát triển thương hiệu là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, huyện Kim Bôi đã và đang tập trung thực hiện công tác này, dựa trên khai thác yếu tố vùng miền.

Kỳ vọng đề án trồng cây lấy măng ở huyện Lạc Thủy

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy có thế mạnh phát triển lâm nghiệp với lợi thế về đất đai, giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi lưu thông hàng hóa. Diện tích trồng rừng hàng năm của huyện từ 850 - 900 ha theo hướng thâm canh, trong đó kết hợp phát triển các loại cây lâm sản phụ ngoài gỗ đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Đề án "Phát triển cây lấy măng trên địa bàn huyện Lạc Thủy giai đoạn 2022 - 2025" mở ra triển vọng tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục