(HBĐT) - Năm 2022, toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được 2.034,89 ha (đạt 105% so với kế hoạch). 10/10 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi. Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang canh tác cây lâu năm, hàng năm góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.


Nông dân xã Mai Hạ (Mai Châu) chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những năm qua, xã Phú Cường (Tân Lạc) tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thủ tục hành chính chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Tại những khu ruộng thiếu nước, không thuận lợi cho cấy lúa, chính quyền xã vận động bà con chuyển sang trồng ngô sinh khối.

Anh Đinh Công Si, xóm Báy, xã   Phú Cường cho biết: Gia đình tôi chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô sinh khối. Đây là diện tích thường xuyên thiếu nước, rất khó khăn trong khâu làm đất cấy nên không đảm bảo khung thời vụ, dẫn tới năng suất, chất lượng lúa kém. Sau 3 năm chuyển sang trồng ngô sinh khối, gia đình tôi rất phấn khởi vì cây dễ trồng, khả năng chống sâu bệnh tốt, chỉ sau 2 tháng đã được thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, thị trường tiêu thụ lại ổn định. Đến kỳ thu hoạch, công ty sữa Mộc Châu tới thu mua tận vườn, giá bán từ 10.000 - 11.000 đồng/kg cây tươi. 

UBND tỉnh có Quyết định số 1094/ QĐ-UBND, ngày 7/6/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Hòa Bình năm 2022. Trên cơ sở đó, một số huyện, thành phố đã ban hành đề án, kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể, chi tiết đến từng xã, từng cánh đồng. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển đổi theo thủ tục hành chính đúng quy định; chỉ đạo tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đặc biệt trên diện tích đã dồn điền, đổi thửa, đất trồng lúa kém hiệu quả đảm bảo chuyển đổi phù hợp. Thủ tục hành chính chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được niêm yết đầy đủ, công khai, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển đổi. Từ đó, người sản xuất hưởng ứng tích cực, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Việc chuyển đổi giúp khai thác hiệu quả diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tiết kiệm được nguồn nước tưới, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2022, toàn tỉnh chuyển được 2.034,89 ha đất trồng lúa. Trong đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 1.917,91 ha, gồm: chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 839,6 ha, đất 1 vụ lúa 1.078,31 ha. Loại cây trồng được chuyển đổi chính là ngô, ngô sinh khối, rau đậu các loại (bí xanh, dưa chuột...), mía, cây dược liệu, cỏ chăn nuôi... Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm 55,85 ha, gồm: chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 16,43 ha, đất 1 vụ lúa 39,42 ha. Loại cây được chuyển đổi chính là nhãn, ổi, táo, cây có múi... Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 5,27 ha, gồm: chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 3,73 ha, đất 1 vụ lúa 1,54 ha.

Các huyện có diện tích chuyển đổi lớn như: Lạc Sơn (846,49 ha), Kim Bôi (330,64 ha), Tân Lạc (249,69 ha), Cao Phong (313 ha). Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả cao năm 2022 là chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, rau lấy quả khác) tại các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu cho thu nhập trung bình 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng mía tím cho thu nhập 140 - 180 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi trồng khoai lang thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng/ ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng ngô sinh khối tại các huyện: Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.


Thu Thủy


Các tin khác


Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục