(HBĐT) - Tỉnh ta được quy hoạch 21 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 866,605 ha. Hiện đã có 16/21 CCN được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích trên 683 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN được phê duyệt trên 4.862 tỷ đồng.


Cụm công nghiệp Tiên Tiến (xã Quang Tiến, TP Hoà Bình) đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Các CCN được UBND tỉnh giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là doanh nghiệp gồm 11 CCN; 5 CCN do UBND các huyện làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng các CCN trong năm 2022 khoảng 187 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng tính đến thời điểm hiện tại khoảng 600 tỷ đồng, gồm 58 tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ, 41 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 501 tỷ đồng vốn của chủ đầu tư hạ tầng.

Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 34 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất - kinh doanh trong các CCN với tổng diện tích đã cho thuê 84,19 ha, tổng vốn đăng ký khoảng 3.114,2 tỷ đồng. Trong đó, CCN Đồng Tâm (Lạc Thủy) 5 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 14,2 ha, tổng mức đầu tư 188,07 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 30,33%; CCN Phú Thành II (Lạc Thủy) 11 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 28,27 ha, tổng mức đầu tư 1.190,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 86,85%; CCN Thanh Nông (Lạc Thủy) 3 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 12,36 ha, tổng mức đầu tư 63,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 54,9%.

Đối với CCN Đông Lai - Thanh Hối (Tân Lạc) có 2 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 8,6 ha, tổng mức đầu tư 91,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 48,45%; CCN Chiềng Châu (Mai Châu) 1 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 5,9 ha, tổng mức đầu tư 251,27 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; CCN xóm Rụt (Lương Sơn) 1 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 1,7 ha, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 3,47%. CCN Tiên Tiến (TP Hòa Bình) có 12 dự án, tổng diện tích đất đã cho thuê 13,76 ha, tổng mức đầu tư 1.269,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 29,62%.

Thống kê năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động.

Theo đồng chí Phạm Văn Báo, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), trong phát triển CCN thời gian qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của  các chủ đầu tư hạ tầng. Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi được UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài, làm ảnh hưởng đến công tác thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động sản xuất  trong CCN.

Tuy nhiên, đánh giá chung công tác đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đến nay bước đầu có kết quả nhất định. Cụ thể, về số lượng dự án đầu tư thứ cấp đăng ký tại CCN tăng, điển hình một số dự án có quy mô vốn và diện tích thuê đất lớn tại các CCN cơ bản được đầu tư hạ tầng như các CCN: Chiềng Châu, Tiên Tiến, Phú Thành II. Công tác đầu tư hạ tầng các CCN có nhiều chuyển biến tích cực; phương pháp tiếp cận và quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào các CCN của tỉnh tiếp tục được nâng cao.

Ngoài ra, việc triển khai xây dựng các CCN đáp ứng yêu cầu, tạo ra mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư, góp phần tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp của tỉnh; các CCN không chỉ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và của tỉnh, có tác động lan tỏa rộng rãi tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Việc hình thành các CCN hỗ trợ giải quyết mặt bằng sản xuất, tách sản xuất ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 2/3/2012. Các CCN đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Trong công tác quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các CCN trong quy hoạch của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến bổ sung mới 20 CCN với diện tích 1.291,34 ha, điều chỉnh mở rộng 6 CCN tăng diện tích 162,16 ha, điều chỉnh giảm diện tích 1 CCN 37,47 ha, dự kiến đưa ra khỏi quy hoạch 7 CCN với tổng diện tích 174,585 ha. Nâng tổng số CCN lên 34 CCN với tổng diện tích đất 2.065,16 ha, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 330/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh.

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Báo, trong thời gian tới, để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển CCN, yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH bền vững của tỉnh. Thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển các CCN bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các CCN đáp ứng yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư.

Ngoài ra, thực hiện tốt quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo sự thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất - kinh doanh trong CCN; quản lý chặt chẽ quy hoạch các CCN, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. 

Bên cạnh việc ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển hạ tầng các CCN cần huy động tổng nguồn lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng CCN, theo thứ tự ưu tiên như hoàn thành đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư các CCN có khả năng và lợi thế trong việc thu hút đầu tư thứ cấp. Đồng thời quảng bá, giới thiệu tới các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về CCN trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và đầu tư hoạt động sản xuất trong CCN.


 Hồng Trung

Các tin khác


Tiếp tục hoàn thiện chính sách trong quản lý giá

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kể từ khi được ban hành tới nay, Luật Giá đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế, tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá, khuyến khích cạnh tranh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan, bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá phù hợp với các cam kết quốc tế...

Tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Một số nhà sản xuất lớn của nước ngoài đang mở rộng dấu ấn ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng và đa dạng hóa rủi ro được thực hiện trên quy mô lớn.

Giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

Lần thứ hai trong chưa đầy một tháng, NHNN chính thức giảm các mức lãi suất điều hành. Giảm lãi huy động là cơ hội để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Giải pháp về kinh tế vĩ mô cần chú trọng điều hành linh hoạt, hiệu quả và thận trọng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong quý I/2023, rất nhiều người quan tâm khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP của quý I đạt mức thấp. Điều này phản ánh thực tiễn đúng theo những gì chúng ta đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế vùng hồ

(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 2.695 ha mặt nước ao, hồ và 4.900 lồng nuôi cá. Quý I/2023, sản lượng thu hoạch cá ước đạt 3.063 tấn (nuôi trồng 2.577 tấn, khai thác 486 tấn). Trong những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, ngành NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, tập trung vào các loài đặc sản có chất lượng, giá trị cao. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi trồng, cải tiến, hoàn thiện quy trình chăm sóc, đa dạng hoá sản phẩm cá thương phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục