(HBĐT) - Dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, hiện gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn nguyên liệu đất phục vụ thi công, nhà thầu đã tập kết máy móc, tuy nhiên một số đoạn phải dừng thi công do chưa có mặt bằng.



Nhà thầu thi công hạng mục cầu số 5, dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1). 

Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2854/QĐ-UBND, ngày 3/12/2021 của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư 999 tỷ đồng, thực hiện xây dựng tuyến đường dài khoảng 7,61 km, điểm đầu km 0+000 nối tiếp vào đường Âu Cơ, thuộc địa phận thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn), điểm cuối km 7+608,81 giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 21) tại km 418+700/ĐHCM, thuộc địa phận xã Hòa Sơn (Lương Sơn). Dự án thực hiện từ năm 2021, kế hoạch hoàn thành sau 48 tháng. Đến thời điểm hiện tại đã bàn giao mặt bằng được các đoạn: km 2+400 -:- km 3+100, thuộc địa phận thị trấn Lương Sơn; km 4+200 -:- km 4+700, vị trí cầu số 5 và một phần mặt bằng bên mố M1 tại cầu số 4, thuộc địa phận xã Hòa Sơn. Công tác kiểm đếm các hộ bị ảnh hưởng thuộc xã Hòa Sơn cơ bản kiểm đếm xong. Hiện đang tiến hành kiểm đếm đợt 2 tại thị trấn Lương Sơn. Nhà thầu đã thi công một số đoạn thuộc lý trình km 2+400, km 4+200 - km 4+700 và các hạng mục cầu số 4, số 5.

Ghi nhận đến cuối tháng 3, công tác thi công cầm chừng do vướng mắc về mặt bằng và những khó khăn liên quan đến vật liệu đất đắp, nhà thầu phải dừng thi công vì chưa có mặt bằng. Trên tuyến nhiều đoạn phải san hạ đào nền với khối lượng lớn, có thể tận dụng đất đắp nền đường, đã tiến hành kiểm đếm nhưng chưa có giá đất để lập phương án dự toán chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng. Dự án đã bàn giao mặt bằng 1,2 km nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công do không có nguồn vật liệu đất đắp. Khu vực mỏ theo thiết kế liên quan đến an ninh quốc phòng, do đó không lấy được đất để đắp. Để giải quyết nhu cầu về đất đắp, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đại diện chủ đầu tư dự án đã tiến hành thủ tục khai thác, san hạ đất nông nghiệp theo Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND, ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp phép khai thác.

Dự án có khoảng 41 hộ tái định cư (TĐC), trong đó, thị trấn Lương Sơn 25 hộ, xã Hòa Sơn 16 hộ. Khu TĐC đã được UBND huyện bố trí tại thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, tuy nhiên chưa được xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó khó khăn trong công tác GPMB đối với các hộ thuộc diện phải TĐC. Mặt khác, UBND huyện Lương Sơn chưa có hướng dẫn cho các hộ thuộc diện TĐC tại chỗ để các hộ tiến hành làm hồ sơ theo quy định. Đến nay vẫn chưa có đơn giá đất ở và các loại đất khác theo thông báo thu hồi đất đợt 2, nên chưa có cơ sở để lập phương án, dự toán đối với những hộ đã được kiểm đếm. Những vị trí kiểm đếm đợt 1 đối với đất lúa còn vướng mắc 3 vị trí nhà xây trên đất nông nghiệp, nằm giữa đoạn đã bàn giao mặt bằng km 4+200 -:- km 4+700 thuộc địa phận xã Hòa Sơn chưa giải phóng được, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công; đoạn từ km 0+200 - km 0+900 thuộc địa phận thị trấn Lương Sơn mặc dù đã kiểm đếm, nhưng chưa xác định rõ nguồn gốc đất thuộc đất nông trường nên không có cơ sở tiến hành lập phương án chi trả tiền đền bù. Trên tuyến có nhiều đoạn phải đào hạ nền với khối lượng đất có thể tận dụng để đắp nền đường khá lớn, cụ thể tại km 3+100 - km 4+200, km 4+700 - km 5+200. Mặc dù đã tiến hành kiểm đếm nhưng không có giá đất để lập phương án và dự toán chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, BQLDA đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lương Sơn và các sở, ngành sớm thẩm định giá đất ở và các loại đất còn lại làm cơ sở lập phương án và dự toán tiến hành chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng. Có hướng dẫn cụ thể thủ tục khai thác đất làm cơ sở triển khai thi công dự án đảm bảo tiến độ đề ra. UBND huyện Lương Sơn hoàn thành xây dựng hạ tầng khu TĐC để giao đất cho các hộ thuộc diện TĐC, kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai thi công. Có hướng dẫn cụ thể đối với các hộ thuộc diện TĐC tại chỗ để các hộ lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xây dựng lại nhà cửa, bàn giao mặt bằng kịp thời; đẩy nhanh công tác kiểm đếm đợt 2 đối với các hộ còn lại, đồng thời lập phương án, dự toán để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng và bàn giao mặt bằng các đoạn tiếp theo cho nhà thầu thi công, đặc biệt là 4 cầu (cầu số 1, 2, 3, 4). Trên tuyến có một số vị trí đào nền có thể tận dụng đất để đắp nền đường đề nghị sớm bàn giao cho các nhà thầu triển khai thi công. Giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng đối với 3 hộ dân tại đoạn km 4+200 -:- km 4+700 thuộc địa phận xã Hòa Sơn để triển khai thi công hoàn thiện nền đường và hệ thống thoát nước.

Qua kiểm tra dự án tại hiện trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long chỉ đạo: Dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) là dự án trọng điểm của tỉnh, tuy nhiên tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra do khó khăn về mặt bằng và xác định giá đất. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Lương Sơn, các sở, ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ TĐC, giải quyết vấn đề đất đắp thi công đường theo quy định, triển khai dự án theo kế hoạch đề ra. 


Lê Chung

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục