(HBĐT) - Quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt như kỳ vọng. 3 quý còn lại của năm đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, cố gắng cao độ triển khai kịch bản tăng trưởng. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các dự án triển khai, đi vào hoạt động, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.


Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với quốc lộ 6.

Quý I năm nay, một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 3,88%; thu ngân sách nhà nước đạt 768,6 tỷ đồng, bằng 11% nghị quyết của Tỉnh ủy, bằng 53% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 17/3 được 387,4 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 7% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết... Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 9%, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công cũng như hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án ngoài ngân sách. 

Theo UBND tỉnh, vốn đầu tư nguồn ngân sách tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg, ngày 3/12/2022 là 10.090,9 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 10.220 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách địa phương 2.880 tỷ đồng, vốn ngân sách T.Ư 7.339 tỷ đồng, vốn nước ngoài 323,6 tỷ đồng. Đến nay đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án 5.343,2 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua. Bên cạnh đó, quý I, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 611,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước số dự án bằng 58,3%, vốn đăng ký bằng 124,4%. Các ngành, địa phương, chủ đầu tư cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời hỗ trợ dự án trọng điểm của các nhà đầu tư chiến lược sớm khởi công như các dự án du lịch, đô thị tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn...

Thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn để tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tới các dự án có tính liên kết vùng, liên kết địa phương để tạo sự đột phá, thu hút đầu tư xã hội; đồng thời tập trung hỗ trợ các dự án chiến lược thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân.

Nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, BCH, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng, quyết liệt thực hiện kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, địa phương, tập trung vào thu ngân sách nhà nước, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và chỉ đạo hỗ trợ các dự án đầu tư trong, ngoài ngân sách khởi công để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh đã được thành lập, thông qua quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo tỉnh phụ trách các dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách. Mới đây, tỉnh thành lập tổ công tác để chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đôn đốc thực hiện các dự án chiến lược của tỉnh.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chấn chỉnh lại tác phong, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là đường Hòa Lạc - Hòa Bình, đường liên kết vùng, đường Hòa Bình - Mộc Châu; đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp: Yên Quang, Bình Phú, Nhuận Trạch. Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; quảng bá, cung cấp thông tin, thu hút đầu tư vào tỉnh. Định kỳ đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tập trung thu hút nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, dược liệu và trực tiếp sản xuất, xuất khẩu, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng trực tiếp nguồn nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách, tập trung huy động nguồn thu từ thuế, phí, đôn đốc thu nợ đọng thuế; chú trọng nguồn thu từ đất và khai thác nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản. Quản lý chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản Nhà nước, các khoản chi, hạn chế phát sinh ngoài dự toán.

Lê Chung


Các tin khác


Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số

Khát vọng vươn lên của Việt Nam đang ngày càng cháy bỏng. Với kinh tế số, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có cơ hội đồng hành, bắt kịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nắm bắt thời cơ, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 411-QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời nhấn mạnh đây là nhiệm vụ được đặt ở mức ưu tiên cao.

Tỉnh Hòa Bình tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2022

(HBĐT) - Sáng 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022.

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu chỉ số kinh tế cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022

Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Thay vì xếp hạng 63 tỉnh thành, năm nay chỉ điểm danh 30 địa phương có điểm số PCI tốt nhất.

Quỹ Tín dụng nhân dân liên phường Phương Lâm - Đồng Tiến: Nỗ lực vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng

(HBĐT) - Trong những năm qua, Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) liên phường Phương Lâm - Đồng Tiến không ngừng nỗ lực kiện toàn, phát huy hiệu quả bộ máy nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.

Nâng cao năng lực cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 75%, với 6 dân tộc chính cùng sinh sống. Trong những năm qua, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân tộc, tỉnh đã quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD), chuẩn hoá đội ngũ cán bộ người DTTS. Qua đó nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ cán bộ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển.

Thủ tướng ban hành Công điện về thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục