(HBĐT) - Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022. Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10 nghìn doanh nghiệp tư nhân và hơn 1 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo kết quả xếp hạng, tỉnh Hòa Bình đạt 62,81 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2021. Điều này cho thấy sự nỗ lực đáng kể của tỉnh trong việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cụ thể, đối với 9 nhóm chỉ số thành phần, tỉnh ta đạt các điểm số như sau: gia nhập thị trường 6,49 điểm; tiếp cận đất đai 6,62 điểm; tính minh bạch 4,80 điểm; chi phí thời gian 6,83 điểm; chi phí không chính thức 6,57 điểm; cạnh tranh bình đẳng 6,01 điểm; tính năng động 6,79 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 5,73 điểm; đào tạo lao động 5,58 điểm; thiết chế pháp lý 6,91 điểm.
Mặc dù vẫn ở nhóm 10 tỉnh cuối bảng, song so với năm 2021, tỉnh ta tăng cả điểm số và thứ bậc trên bảng xếp hạng. Trong đó, có 7/9 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2021 là chỉ số gia nhập thị trường tăng từ 6,22 điểm lên 6,49 điểm; tiếp cận đất đai tăng từ 5,93 điểm lên 6,62 điểm; chi phí thời gian từ 6,11 điểm tăng lên 6,83 điểm; chi phí không chính thức từ 5,23 điểm lên 6,57 điểm; cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5,10 lên 6,01 điểm; đào tạo lao động tăng từ 5,37 lên 5,59 điểm; thiết chế pháp lý tăng từ 6,39 điểm lên 6,91 điểm. Với việc chú trọng cải thiện điểm số của nhiều chỉ số thành phần quan trọng như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức cho thấy sự khát khao thay đổi tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cũng như sự vào cuộc của các sở, ngành trong việc tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh đi vào hoạt động, ổn định sản xuất và phát triển.
Bên cạnh những "điểm sáng”, PCI của tỉnh cũng ghi nhận sự thụt lùi của 2 chỉ số thành phần rất quan trọng là chỉ số về tính minh bạch giảm từ 4,99 điểm xuống còn 4,80 điểm và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm từ 6,65 điểm xuống còn 5,73 điểm. Theo các chuyên gia, "Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin” là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của PCI. Chỉ số thành phần này đo lường liệu các doanh nghiệp có dễ dàng tiếp cận với các loại thông tin và tài liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất - kinh doanh?; liệu việc tiếp cận thông tin, tài liệu đó có công bằng?; chính sách pháp luật và việc thực thi pháp luật có thể dự đoán được hay bất ổn định?; và mức độ hiệu quả của việc phổ biến thông tin qua cổng thông tin điện tử và hệ thống trang web ở các địa phương. Mặc dù số điểm giảm không nhiều so với năm 2021 nhưng đã phản ánh thực tế chỉ số này trong 2 năm qua đều được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thấp với thang điểm dưới 5, thấp hơn trung bình cả nước.
Cùng với chỉ số về tính minh bạch, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh ta trong 2 năm trở lại đây chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và tiếp tục thụt lùi. Cụ thể, năm 2020, chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh ta đạt 6,61 điểm; năm 2021 đạt 6,65 điểm; năm 2023 đạt 5,73 điểm.
Qua phân tích các chỉ số thành phần cho thấy, PCI tỉnh ta đã có sự chuyển biến về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, gánh nặng về chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giảm xuống, tiếp cận về đất đai và sử dụng đất đai được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thực sự trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, tỉnh ta vẫn cần phải có sự quyết liệt và cải thiện hơn nữa các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn và hiệu quả.
Theo báo cáo của VCCI, năm 2023 là một năm có rất nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi phải đối mặt với việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, một số lĩnh vực hành chính cần có sự quan tâm thúc đẩy cải cách trong thời gian tới, như thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, an toàn phòng chống cháy nổ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Việc nâng cao chất lượng thực thi ở cấp sở/ngành, huyện/thành phố thực sự cấp thiết để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính địa phương. Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin và giảm thiểu chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.
Đinh Hòa